Kiến thức chứng khoán - Kinh nghiệm đầu tư chứng khoán

Thứ Hai, 12 tháng 6, 2017

Kido tăng tốc thâu tóm doanh nghiệp thực phẩm

Kido đề xuất mở room 100% để huy động vốn và hợp tác với nhà đầu tư ngoại thực hiện các thương vụ M&A ngành thực phẩm.

Kido muốn dẫn đầu thị phần thực phẩm nội địa trong 2-3 năm tới.

Ông Trần Lệ Nguyên, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Kido (Mã CK: KDC) cho biết, sắp tới HĐQT sẽ trình đại hội đồng cổ đông thường niên thông qua đề xuất tăng tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài từ 49% như hiện nay lên 100%.

“Nhiều nhà đầu tư trong mảng thực phẩm đang muốn liên doanh với Kido nhằm giúp công ty đa dạng hoá danh mục sản phẩm và tăng vị thế cạnh tranh trong nước và khu vực Đông Nam Á. Chúng tôi quyết định mở room tối đa, để đối tác có room mua trên sàn chứng khoán nhằm tăng tính thanh khoản. Công ty không quan trọng cán cân tỷ lệ sở hữu giữa nhà đầu tư trong và ngoài nước, miễn việc hợp tác có lợi nhất cho các bên, mà trước mắt là cùng công ty mở rộng sản xuất, theo đuổi các thương vụ mua bán và sáp nhập”, ông Nguyên chia sẻ.

Trong năm nay, Kido sẽ hoàn tất thủ tục mua lại 50% vốn Công ty TNHH Chế biến thực phẩm Dabaco (Dabaco Food - trực thực Tập đoàn Dabaco Việt Nam). Đơn vị này sở hữu 3 nhà máy giết mổ, chế biến và bảo quản thịt gia súc, gia cầm… nên sẽ đóng vai trò sản xuất các sản phẩm quan trọng của ngành hàng thực phẩm, còn Kido toàn quyền quyết định sản phẩm, thương hiệu và phân phối.

Kể từ sau khi hoàn tất chuyển nhượng toàn bộ mảng bánh kẹo cho Tập đoàn Mondelēz International vào tháng 8 năm ngoái, Kido liên tiếp đưa ra nhiều quyết định mở rộng đối với nhiều mặt hàng, đồng thời thực hiện hàng loạt thương vụ mua bán, sáp nhập nhằm tăng sở hữu tại các công ty trong lĩnh vực ngành hàng thiết yếu.

Chia sẻ về lý do tập trung nguồn lực đầu tư vào ngành hàng này, theo ông Nguyên, hiện Kido có kênh phân phối rộng khắp cả nước với khoảng 400.000 điểm bán mặt hàng thiết yếu và 70.000 điểm bán thực phẩm đông lạnh. Đây là lợi thế lớn nhất khi công ty đưa sản phẩm mới ra thị trường. Hơn nữa, ngành hàng này có vòng quay vốn nhanh và ít phụ thuộc vào yếu tố thời vụ như bánh kẹo.

Trong năm 2016, Công ty cổ phần Thực phẩm đông lạnh Kido (KDF) – thành viên của Tập đoàn ghi nhận doanh thu 1.397 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế hơn 176 tỷ, trong đó mảng kem và sữa chua chiếm đến 99%.

Với mảng dầu ăn, đây được xác định là mũi nhọn của Kido trong thời gian tới và công ty cũng không giấu tham vọng bành trướng thị phần nội địa thông qua việc thâu tóm nhiều doanh nghiệp hàng đầu trong ngành này. Sau khi hoàn tất thâu tóm 65% vốn điều lệ của Công ty Dầu thực vật Tường An (mã CK: TAC) vào cuối năm ngoái và nâng tỷ lệ sở hữu tại Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex) lên 51% cách đây không lâu, Kido trở thành doanh nghiệp nắm giữ thị phần lớn trong ngành dầu ăn.

Ông Nguyên cho biết thêm, sắp tới đây Kido sẽ thành lập 2 liên doanh với nước ngoài và tung ra các sản phẩm mới. Trong tương lai xa hơn, công ty dự định đầu tư ngược ra nước ngoài, mà tiên phong là thị trường Indonesia. “Kido tự tin trở thành một trong số công ty thực phẩm lớn nhất Việt Nam trong khoảng 2-3 năm nữa, còn trước mắt là đạt mục tiêu doanh thu 10.000 tỷ trong năm 2018”, ông Nguyên nói.


Vnexpress
Share:

Trang

Nổi bật

Giới siêu giàu kiếm tiền từ đâu?