Thế Giới Di Động đã trở lại vị trí dẫn đầu bảng xếp hạng sau một năm đánh mất vị trí vào tay Ôtô Trường Long.
Bảng xếp hạng “50 công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam” năm 2017
(Top 50) do tạp chí Nhịp cầu Đầu tư phối hợp cùng Công ty Chứng khoán
Thiên Việt (TVS) thực hiện vừa được công bố.
So với năm 2016, Top 50 năm nay chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc về
chỉ tiêu vốn hóa thị trường khi tổng giá trị hơn 1 triệu tỷ đồng, chiếm
hơn phân nửa tổng giá trị vốn hóa toàn thị trường, gia tăng đáng kể so
với tỷ lệ chỉ 31% của năm trước đó. Kết quả này là nhờ các tập đoàn lớn
tiếp tục thăng tiến mạnh mẽ như: Vinamilk, Thế Giới Di Động, FPT, sự trở
lại cuộc đua của PNJ, cùng một loạt doanh nghiệp lần đầu xuất hiện như
Vietjet Air, Novaland, Sabeco với giá trị vốn hóa lên đến hàng tỷ USD.
Nhóm các công ty này chứng kiến tốc độ tăng trưởng doanh thu lên đến
28,8% so với năm trước khi đạt 559.580 tỷ đồng, lợi nhuận ròng tăng
40,7% với 60.687 tỷ đồng. Ấn tượng của bảng Top 50 năm nay là việc quay
trở lại ngôi đầu bảng của nhà bán lẻ Thế Giới Di Động, sau một năm đánh
mất vị trí vào tay Ôtô Trường Long. Bên cạnh hưởng lợi từ thị trường
tiêu dùng điện thoại, điện máy tiếp tục khả quan do dân số trẻ, thành
công của Thế Giới Di Động còn đến từ chiến lược mở rộng chuỗi nhanh
chóng để giành thị phần, cùng các chính sách marketing khôn ngoan. Đặc
biệt, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) của Thế Giới Di Động
trung bình lên đến 54,3% trong 3 năm qua.
Thế Giới Di Động đã trở lại vị trí dẫn đầu Top 50 doanh nghiệp hiệu quả năm nay.
|
Theo Công ty Chứng khoán TVS, nhóm ngành bán lẻ và dược phẩm đang được
hưởng lợi từ nền kinh tế tiêu dùng khi tăng trưởng 23% về doanh thu
trong bảng xếp hạng năm nay. Nhóm ngành này được dự đoán sẽ tiếp tục
tăng trưởng khả quan trong thời gian tới vì phục vụ cho nhu cầu tiêu
dùng thiết yếu và quy mô thị trường rất lớn với 92 triệu dân.
Nổi bật trong Top 50 năm nay còn là nhóm ngành ngân hàng khi ngoài Ngân
hàng Vietcombank, bảng xếp hạng còn xuất hiện thêm những cái tên mới
như Ngân hàng Quân Đội, ACB.
Bất động sản và xây dựng cũng là lĩnh vực thu hút được nhiều sự chú ý
trong năm qua. Nhờ thị trường địa ốc và hạ tầng nóng lên mà nhiều doanh
nghiệp trong ngành đã có những cuộc bứt phá ngoại mục về doanh thu và
lợi nhuận.
Thị trường bất động sản phục hồi đã giúp các đại gia về thép và vật
liệu xây dựng như Hòa Phát, Hoa Sen, Thép Nam Kim hưởng lợi và họ đã có
những bước thăng tiến đáng kể về vị trí xếp hạng trong bảng Top 50 5
năm, thậm chí Vicostone đã 2 năm liên tiếp nắm giữ vị trí á quân.
Điểm nhấn trong bảng xếp hạng Top 50 năm nay là có đến 12 doanh nghiệp
có giá trị vốn hóa hơn 1 tỷ USD. Nổi trội nhất trong số đó là Vinamilk
với giá trị gần 9 tỷ USD, đứng thứ hai là Vietcombank 5,7 tỷ USD. Sabeco
tuy mới lên sàn nhưng đã giữ vị trí thứ 3 với 5,6 tỷ USD...
Điểm mới của bảng xếp hạng Top 50 năm nay là việc so sánh kết quả kinh
doanh của các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam với các doanh nghiệp Top 50
ở Thái Lan, Philipppines và Singapore. Xét về hiệu quả hoạt động,
Singapore là quốc gia được đánh giá cao khi Top 50 chỉ chiếm khoảng
31,85% doanh thu toàn thị trường chứng khoán nhưng lại tạo ra 65,95% lợi
nhuận. Các doanh nghiệp Top 50 của Việt Nam khá tương đối với các doanh
nghiệp ở Philippines về mức vốn hóa thị trường và doanh thu nhưng tốt
hơn hẳn về lợi nhuận ròng. Còn nếu so sánh với Thái Lan thì Việt Nam
hoàn toàn vượt trội do nền kinh tế Thái Lan tăng trưởng khá ảm đạm trong
thời gian qua.
Vnexpress