Trong vài năm trở lại đây, các quỹ bị động thu hút được
nhiều tiền hơn so với các quỹ chủ động. Năm 2016, nhà đầu tư rút hơn
380 tỷ USD khỏi các quỹ tương hỗ chủ động và ngược lại rót gần 480 tỷ
USD vào các quỹ bị động.
Bạn có giỏi trong việc chọn ra cổ phiếu đánh bại thị trường? Sẽ không có nhiều người dám thẳng thừng nói có. Thế còn người mà hàng tháng bạn bỏ số tiền không nhỏ để thuê quản lý tài sản cho bạn, anh ta có đủ giỏi? Câu trả lời là có, nếu nhìn vào quy mô các quỹ đầu tư chủ động nay đã lên đến 10.000 tỷ USD.
Tuy nhiên, ngày càng có nhiều người cho rằng câu trả lời là không, trong đó có cả quỹ quản lý tài sản lớn nhất thế giới hiện nay là BlackRock. Quỹ này đang thu hẹp quy mô mảng quỹ đầu tư chủ động để chuyển sang loại hình đối lập là các quỹ chỉ số, đầu tư thụ động. Đây cũng chính là phương pháp tiếp cận mà Warren Buffett tôn sùng.
Trong giới đầu tư đang nổi lên một cuộc tranh luận về đầu tư chủ động và đầu tư bị động.
1.Đầu tư chủ động là gì?
Trong quá khứ, cụm từ “active investing” từng chỉ có nghĩa đơn giản là đầu tư – mua và bán cổ phiếu, trái phiếu. Ngày nay, nó có nghĩa là rót tiền vào các quỹ tương hỗ, nơi có các nhà quản lý thay bạn ra quyết định đầu tư. Ý tưởng ở đây là các nhà quản lý tiền tệ chuyên nghiệp sẽ mang lại cho bạn lợi suất cao hơn so với mức trung bình.
2.Còn đầu tư bị động là gì?
Trong phương pháp đầu tư bị động, nhà đầu tư theo sát các chỉ số bằng cách xây dựng một nhóm các cổ phiếu mô phỏng chỉ số đó. Ví dụ, mua vào một quỹ đầu tư chỉ số sở hữu mọi cổ phiếu trong chỉ số S&P 500 là đầu tư thụ động. Các quỹ ETF (những quỹ tương hỗ được giao dịch trên sàn giống như các cổ phiếu) cũng là 1 dạng quen thuộc của đầu tư bị động. Theo lý thuyết, nhà đầu tư bị động sẽ có hiệu suất tương đương với diễn biến của thị trường, không tốt hơn cũng không tệ hơn.
3.Ý tưởng đầu tư bị động đến từ đâu?
Trong 1 cuốn sách xuất bản năm 1973, giáo sư ĐH Princeton có tên Burton Malkiel cho rằng “một con khỉ bị bịt mắt ném phi tiêu vào danh sách cổ phiếu” cũng có thể đầu tư tốt bằng một nhà quản lý quỹ chuyên nghiệp. Malkiel không bác bỏ quan điểm một số nhà quản lý có thể đánh bại thị trường, nhưng xét cả nhóm thì họ sẽ cho ra kết quả ngang bằng mức trung bình của thị trường, kết quả là nhà đầu tư thất bại sau khi đã trừ đi mức thuế cao chót vót.
3 năm sau, nhà sáng lập John C. Bogle của quỹ đầu tư Vanguard sử dụng những lập luận tương tự để thành lập quỹ đầu tư chỉ số đầu tiên phục vụ các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Bogle cũng tin rằng phần lớn các nhà đầu tư chủ động không thể đánh bại chỉ số. Và một vài nghiên cứu đã chứng minh điều đó: một thống kê năm 2016 cho thấy 90% các nhà quản lý quỹ chủ động không thể đánh bại thị trường trong quãng thời gian 1 năm, 5 năm và 10 năm trước đó.
4. Bị động tốt hơn chủ động?
Đó là trong trường hợp có tính đến số phí mà nhà đầu tư phải trả. Trung bình quỹ Fidelity thu mức phí 70 cent trên mỗi 100 USD. Kể cả khi đầu tư chủ động mang lại kết quả khả quan hơn, qua thời gian thì mức chi phí thấp của loại hình bị động sẽ nhanh chóng san bằng chênh lệch.
Do thu phí thấp, lúc đầu Vanguard tăng trưởng rất chậm chạp nhưng ngày nay nó đã trở thành lớn nhất thế giới.
5. Nhà đầu tư đang đặt tiền vào đâu?
Trong vài năm trở lại đây, các quỹ bị động thu hút được nhiều tiền hơn so với các quỹ chủ động. Năm 2016, nhà đầu tư rút hơn 380 tỷ USD khỏi các quỹ tương hỗ chủ động và ngược lại rót gần 480 tỷ USD vào các quỹ bị động.
Xu hướng chuyển từ chủ động sang bị động ngày càng rõ rệt. Tuy nhiên, các quỹ chủ động vẫn dẫn trước trên 1 phương diện quan trọng: họ có khoảng 10.000 tỷ USD tài sản, so với khoảng 5.800 tỷ USD của các quỹ bị động.
6.Có phải xu hướng này do các nhà đầu tư nhỏ lẻ tạo ra?
Nhiều nhà đầu tư cá nhân đã thay đổi sự lựa chọn. Tuy nhiên, các nhà đầu tư định chế và thậm chí nhiều chuyên viên tư vấn tài chính cũng đã làm tương tự. Trong quá khứ, khi được trả hoa hồng cho những gì mình bán ra, các chuyên viên tư vấn không có lý do gì để bán các quỹ đầu tư chỉ số. Còn ngày nay, họ sẽ được trả mức phí đồng loạt hoặc theo phần trăm trên số tài sản mà họ quản lý, do đó các sản phẩm có chi phí thấp mới là lựa chọn đúng đắn.
7. Các nhà đầu tư giàu có và các quỹ đầu cơ đang làm gì?
Nhiều khách hàng (trong đó có cả những quỹ hưu trí lớn) đã rút tiền ra khỏi các quỹ chủ động. Trong bức thư thường niên mới nhất, Warren Buffett ước tính các nhà đầu tư đã lãng phí hơn 100 tỷ USD cho các nhà quản lý tiền tệ phố Wall trong suốt 10 năm qua. Ông cho rằng cả nhà đầu tư nhỏ lẻ và tổ chức đều nên trung thành với các quỹ đầu tư chỉ số có mức phí rất thấp.
8. Các nhà quản lý quỹ chủ động nói gì?
Họ biện minh rằng thị trường vẫn đang chịu ảnh hưởng từ những bất thường của giai đoạn khủng hoảng tài chính 2008, với nhiều cổ phiếu biến động thất thường mà không dựa trên các yếu tố cơ bản. Và theo họ, hiện tượng này sẽ biến mất khi lãi suất tăng và thị trường bình thường trở lại.
Các nhà đầu tư chủ động còn có 1 lập luận nữa: trong quỹ chỉ số, các công ty được đối xử như nhau dù tốt hay xấu, do đó khiến giá cả bị bóp méo và càng tạo thêm nhiều cơ hội cho những người có thể tìm ra món hời hay tránh được những cổ phiếu có giá quá cao so với giá trị thực.
9.Ai được hưởng lợi từ xu hướng này?
Vanguard là quỹ hưởng lợi nhiều nhất. BlackRock – công ty đi đầu thế giới về các quỹ ETF – cũng vậy. Trong khi đó các quỹ chủ động như Fidelity và Franklin Resources phải chứng kiến khách hàng ra đi.
Nhiều quỹ sáp nhập với nhau hoặc thậm chí phải đóng cửa. Một số kết hợp cả hai phương thức chủ động và bị động, ví dụ như các quỹ smart-beta theo dõi 1 nhóm cổ phiếu dựa trên một số yếu tố như giá trị, khả năng sinh lời…
10.Buffett để tiền trong các quỹ chỉ số?
Không, ông thực sự đã đánh bại thị trường, chí ít là cho đến thời điểm hiện tại.
Theo Trí thức trẻ/Bloomberg