Kiến thức chứng khoán - Kinh nghiệm đầu tư chứng khoán

Thứ Ba, 3 tháng 9, 2013

Lịch sử ngành ngân hàng thế giới (P3): Dòng họ Medici và Fugger ở thế kỷ 15 – 16

Nhà Medici và Fugger tích lũy gia sản khổng lồ bằng việc chăm sóc tài chính cho Giáo hoàng và các hoàng tộc.


Gia tộc Medici xứ Florence

Một trong những cái tên được biết tới nhiều nhất trong thời kỳ đầu của lịch sử ngân hàng thế giới là dòng họ Medici ở xứ Florence.

Xuất thân từ những người nông dân, rồi tham gia các hoạt động buôn bán và ngân hàng, dòng họ Medici dần trở thành một trong các gia đình quyền lực nhất châu Âu trong suốt thời gian từ giữa thế kỷ 14 đến 1748.

Dưới sự dẫn dắt của Giovanni Medici từ đầu thế kỷ 15 và sau đó là Cosimo, dòng họ xứ Toscan (thuộc Italia) dần mở rộng các hoạt động ngân hàng ra ngoài ranh giới xứ Florence với các chi nhánh tại Milan, Geneva, Bruges, Ancona, Pisa, London và Avignon. Chi nhánh tại Rome quản lý tài khoản của Đức giáo hoàng.

Tại Florence, ngân hàng Medici nhận tiền gửi của những người Florence giàu có. Các khoản tiền gửi này có thể được rút ra theo định kỳ từ ba tháng đến một năm và hưởng mức lãi suất khoảng 10% mỗi năm.

Dòng họ Medici cũng dần quản lý xứ Florence, thể hiện sức mạnh kết hợp giữa tài chính và chính trị. Sự kết hợp này đã vô cùng hữu ích vào năm 1452 khi cả hai xứ Naples và Venice gây chiến với Florence. Đối mặt cùng lúc với hai mối hiểm hoạ, Cosimo đã cho đòi các khoản nợ tại hai thành phố thù địch khiến cho chiến tranh không thể nổ ra bởi hai thành phố này không còn đủ nguồn tài chính để thuê quân lính.
Nhà Medici sau cùng cũng nhận được tước hiệu Công tước xứ Florence nhưng vị trí đứng đầu ngành ngân hàng đã lọt vào tay ngân hàng Đức – dòng họ Fugger.

“Dòng họ Medici đạt tới đỉnh cao dưới thời Lorenzo (1449-1492), cháu trai của Cosimo. Lorenzo được coi là hình ảnh mẫu mực của một quý ông thời kỳ Phục Hưng. Ông là người trị vì xứ Florence, nhà thơ, học giả, một người say mê nghệ thuật, và một chủ ngân hàng. 

Danh tiếng này, tuy vậy, cũng có giá của nó. Dưới thời kỳ Lorenzo, dòng họ Medici đã cho vua nước Anh Edward IV vay tiền để tài trợ cho Cuộc chiến Hoa hồng (Wars of the Roses). Khi vị vua nước Anh không thể trả nợ, ngân hàng đã bị mất một số tiền lớn và buộc phải đóng cửa chi nhánh tại London.

Dòng họ Medici cũng tham gia tích cực các hoạt động chính trị tại Nhà thờ Thiên chúa Giáo, và rất có uy tín với các thế lực ngầm. Dòng họ Medici luôn là những chủ ngân hàng đầy thủ đoạn, sẵn sàng tận dụng mọi cơ hội để loại bỏ đối thủ cạnh tranh.

Dòng họ Medici bắt đầu suy yếu từ thế kỷ 16 khi xứ Florence bị xâm lược nhiều lần. Vào thế kỷ 16, ngân hàng Medici thoát khỏi cảnh phá sản nhờ sự giúp đỡ của Fuggers, một ngân hàng lớn ở miền nam nước Đức. Đến thế kỷ 18, ngân hàng Medici chỉ còn là cái bóng mờ nhạt của chính mình. Nhưng tên tuổi của dòng họ Medici và ngân hàng Medici xứ Florence còn mãi trong lịch sử ngân hàng thế giới.”

–Jane E. Hughes và Scott B. MacDonald, 2002. International Banking: Text and Cases.
Dòng họ Fugger

Cũng giống như nhà Medici, nhà Fugger tích lũy gia sản khổng lồ bằng việc chăm sóc tài chính cho Giáo hoàng và các hoàng tộc. Cuối thế kỷ 15, quyền lực của châu Âu được chuyển về Habsburgs, nơi gia đình Fugger sinh sống.

Tổ tiên nhà Fugger làm nghề dệt vải tại Augsburg và những tài sản đầu tiên của gia đình đều năm trong ngành dệt. Người vay tiền nhà Fugger đầu tiên là một hoàng tử Habsburgs vào năm 1487, với khoản đảm bảo là mỏ đồng và bạc ở vùng Tirol. Kể từ đó, gia tộc này mở rộng và phát triển các hoạt động khai mỏ và kim loại quý.

Năm 1491, Maximilian, lúc này còn là hoàng tử của vương triều Roman Thần thánh, nhận khoản vay đầu tiên từ nhà Fugger và đảm bảo bằng các quyền lợi kinh tế thu được từ hai lãnh đại tại Áo. Sau khi lên ngôi hoàng đế ở Habsburgs, Maximilian vẫn tiếp tục phải vay tiền của gia tộc Fugger.

Người vay nhiều tiền nhất từ nhà Fugger là cháu nội của Maximilian, vua nước Đức Charles. Thừa hưởng từ cha ông ngai vàng của nước Đức và vương triều Roman nhưng để giữ tước vị, Charles phải cạnh tranh với Hoàng đế nước Pháp, Francis Đệ nhất. Để có tiền trang trải cho cuộc tranh cử, Charles tìm đến nhà Fugger. Một lượng tiền khổng lồ đã được sử dụng để hối lộ bảy người bỏ phiếu: 852.000 florin. Gần hai phần ba số tiền này do nhà Fugger tài trợ (544.000 florin). Chiến dịch vận động tranh cử thắng lợi. Charles V đăng quang.

Thời gian đó, mức lãi suất không bao giờ ở dưới 12%/năm. Và với một khoản vay nóng, nhà ngân hàng ở thế kỷ 16 dễ dàng nâng mức lãi suất lên 45%. Cung cấp dịch vụ ngân hàng cho các hoàng đế mang lại lợi nhuận cao.

Các cuộc chiến liên tiếp và những khoản chi tiêu của vương triều đều đặn làm suy kiệt tài chính của Hoàng đề Charles. Cũng giống như những người đang trị vì các quốc gia châu Âu vào thời kỳ đó, chi phí của Charles V vượt xa những nguồn lợi có thể thu được. Phần chênh lệch được bù đắp bằng các khoản vay ngân hàng và thường được hoàn trả bằng cách nhượng lại những nguồn thu lợi của hoàng gia.

Nhờ đó, nhà Fugger được trao toàn quyền hưởng số lợi tức từ Tây Ban Nha cùng các mỏ bạc và thủy ngân vào năm 1525. Nhà ngân hàng này, từ đó, giữ vị thế đồng thời là người thu lợi tức và người quản lý tài sản của vương triều. Nhưng mức lãi suất cao của họ có thể nhanh chóng phá tan một vương quốc đã tham giá quá nhiều cuộc chiến không mang lại lợi nhuận.

“Dòng họ Fugger. Fugger là một trong các dòng họ nổi tiếng nhất trong ngành ngân hàng tại Đức vào giữa thời kỳ Trung cổ.
Cuối thế kỷ 15, dòng họ Fugger nổi lên như một gia đình buôn bán có thế lực tại thành phố Augsburg, và thường được nhắc tới như những người chủ ngân hàng chuyên phục vụ dòng họ Hapsburg. Năm 1487, Jakob Fugger (1459-1525) cho Sigismund- Hoàng tử xứ Tyrol- vay 20.000 duca (đồng tiền vàng cổ châu Âu). Để đảm bảo cho khoản vay, vị lãnh chúa dòng họ Hapsburg đã trao cho Jakob quyền kiểm soát các mỏ bạc tốt nhất vùng Schwarz và toàn bộ doanh thu thuế của tỉnh Tyrol.

Thời kỳ đó, nhu cầu sử dụng bạc rất lớn nhằm phục vụ công việc chế tác các đồ trang sức tinh xảo. Bạc cũng là phương tiện thanh toán, trao đổi xếp thứ hai sau vàng. Quyền kiểm soát các nguồn lực này vừa mang lại nguồn lợi khổng lồ vừa củng cố sức mạnh tài chính của dòng họ Fugger.

Với một khoản vay khác cho Hoàng tử Sigismund năm 1488, dòng họ Fugger đã có quyền kiểm soát hoạt động khai thác bạc trên toàn bộ lãnh thổ. Khi kế tục Sigismund nắm quyền cai quản Tyrol, năm 1490, Maximilian tiếp tục duy trì mối quan hệ tín dụng này. Ngay sau đó, năm 1491, Maximilian có thêm một khoản vay mới từ dòng họ Fugger nhằm tài trợ cho cuộc chiến thống nhất các lãnh địa thuộc dòng họ Hapsburg. Maximilian trở thành Hoàng đế của Đế chế Roman (Holy Roman Empire) vào năm 1493. Gia đình Fugger có một người bạn đầy quyền lực và một khách hàng gắn bó.

Đến năm 1508, công việc kinh doanh của dòng họ Fugger đã trải khắp châu Âu với các hoạt động đầu tư trong lĩnh vực dệt may, buôn bán hạt tiêu, bất động sản, và khai thác mỏ bạc và đồng. Ngân hàng Fugger cũng tham gia tài trợ cho các cuộc viễn chinh tại châu Mỹ.

Hệ thống kinh doanh quốc tế của gia đình Fugger cho phép họ cung cấp thêm một dịch vụ mới cho vương triều Hapsburg, khi đế chế này mở rộng và nằm rải rác ở nhiều vùng địa lý trên khắp lục địa châu Âu. Các lãnh địa chư hầu có nghĩa vụ nộp tiền cho vương triều Hapsburg. Họ thực hiện nghĩa vụ của mình bằng nhiều đồng tiền khác nhau và việc vận chuyển thường tốn rất nhiều thời gian và nguy hiểm.

Kết quả là việc sử dụng hệ thống của gia đình Fugger sẽ vô cùng tiện lợi cho hoàng gia. Với các lệnh chuyển đổi, tiền sẽ được chuyển tới Augsburg chỉ trong vòng hai tuần. Có thể hình dung một cách đơn giản, đại diện của gia đình Fugger tại Antwerp nhận tiền và phát hành một giấy ghi nhận tín dụng. Giấy chứng nhận này sẽ nhanh chóng được chuyển tới Đức và đổi thành tiền mặt tại ngân hàng Fugger ở Augsburg.

Gia tài của dòng họ Fugger, tuy vậy, cũng trở nên gắn bó vô cùng mật thiết với các hoạt động của khách hàng lớn nhất, vương triều Hapsburg. Dưới thời Charles V, người kế nghiệp Maximilian, chiến phí quá lớn trong các cuộc xung đột với người Ottoman, Pháp, và người Tin lành tại Đức đã đặt tình trạng tài chính của vương triều vào tình trạng căng thẳng đáng ngại. Mặc dù gia đình Fugger tin rằng họ đã gia hạn quá mức với vương triều Hapsburd, họ vẫn phải miễn cưỡng tiếp tục cung cấp các khoản tín dụng.

Sức mạnh tài chính của dòng họ Fugger bị tổn hại nghiêm trọng khi Philip II của Tây Ban Nha tuyên bố phá sản vào năm 1577. Gia sản của dòng họ Fugger sụt giảm nghiêm trọng ngay sau đó.”
–Jane E. Hughes và Scott B. MacDonald, 2002. International Banking: Text and Cases.
Tới cuối thế kỷ 16, dòng họ Fugger rút khỏi các hoạt động tài chính rủi ro, sau một số thảm họa gia đình, và duy trì hiện diện như một gia đình quí tộc sau khi bán đi phần lớn tài sản.

Từ đây xuất hiện những triều đại ngân hàng mới, trong đó nổi bật và quyền lực nhất là gia tộc Rothschild. Nhưng điểm đáng kể nhất của lịch sử ngân hàng thế kỷ 17 lại là mô hình kinh doanh với các dịch vụ thương mại hướng tới khách hàng thông thường nhiều hơn các vị hoàng đế.

Nguồn: historyworld.net (Bản dịch tiếng Việt của saga.vn)



>> Lịch sử ngành ngân hàng thế giới (P2): Ngân hàng cho các Hoàng đế châu Âu


>> Jacob Fugger - Người đàn ông giàu nhất trong lịch sử nhân loại?

 
Share:

Trang

Nổi bật

Giới siêu giàu kiếm tiền từ đâu?