Kiến thức chứng khoán - Kinh nghiệm đầu tư chứng khoán

Thứ Tư, 17 tháng 12, 2014

Kinh tế thế giới đang ở trong trạng thái giống năm 1998?

Ngày nay các thị trường mới nổi đã có những thay đổi cơ bản giúp họ thoát được cuộc khủng hoảng tồi tệ như trong quá khứ. Bloomberg đưa ra những điểm giống và khác nhau giữa hai thời điểm này.
Giá dầu “lao dốc không phanh”. Tiền tệ của các thị trường mới nổi rơi tự do. Venezuela chìm trong khủng hoảng tài chính và giới phân tích lo ngại về những khoản nợ của Nga cũng như đà giảm giá của đồng ruble. 

Đây là bức tranh kinh tế thế giới năm 1998.

Tuy nhiên, khi đọc những dòng trên, rất có thể bạn sẽ nghĩ về thời điểm hiện tại. Dẫu vậy, ngày nay các thị trường mới nổi đã có những thay đổi cơ bản giúp họ thoát được cuộc khủng hoảng tồi tệ như trong quá khứ. Bloomberg đưa ra những điểm giống và khác nhau giữa hai thời điểm này. 

Những điểm tương tự

Giá dầu giảm

Dầu thô đã giảm 48% kể từ khi lập đỉnh hồi tháng 6, xuống còn 55 USD/thùng. Giá dầu giảm khiến các nước xuất khẩu dầu từ Venezuela đến Nga và Nigeria đều khốn đốn. Diễn biến giá của các hợp đồng hoán đổi tín dụng (CDS) cho thấy có tới 97% khả năng Venezuela sẽ vỡ nợ trái phiếu trong vòng 5 năm tới. 


Trong khi đó, nền kinh tế Nga – vốn đang chịu sự trừng phạt của Mỹ và EU vì xung đột ở Ukraine – sẽ suy giảm 4,7% trong năm 2015 nếu như giá dầu tiếp tục ở mức 60 USD/thùng. 

Tiền tệ mất giá

Ngày 15/12, chỉ số của Bloomberg theo dõi 20 loại tiền tệ được giao dịch nhiều nhất của các thị trường mới nổi đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2003. Lần đầu tiên trong lịch sử, đồng ruble phá đáy 64 ruble đổi 1 USD. Đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ thấp kỷ lục trong khi đồng rupiah của Indonesia giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1998. 

Trong khủng hoảng tài chính châu Á 1997 – 1998, các nước từ Thái Lan tới Malaysia đã đầu hàng và từ bỏ việc kiểm soát đồng nội tệ, dẫn đến đồng baht Thái mất một nửa giá trị trong vòng 6 tháng. Người Hàn Quốc xếp hàng dài trên đường phố để quyên góp vàng nữ trang giúp chính phủ tăng dự trữ ngoại hối trong bối cảnh đồng nội tệ giảm giá mạnh. 

Chính sách của Fed

Cục dự trữ liên bang (Fed) đang rậm rịch tăng lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2006, đe dọa sẽ khiến dòng vốn ồ ạt tháo chạy khỏi các nền kinh tế đang phát triển. Năm ngoái, World Bank ước tính rằng lượng vốn tư nhân đổ vào các nước đang phát triển có thể giảm 50% nếu như lợi suất trái phiếu dài hạn của Mỹ tăng 1 điểm phần trăm.


Các quốc gia với thâm hụt cán cân vãng lai lớn (bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Phi và Brazil) rất dễ bị ảnh hưởng, theo Credit Agricole CIB. Malaysia cũng là đối mặt với nhiều nguy cơ bởi nhà đầu tư nước ngoài sở hữu tới 30% nợ của chính quyền địa phương. Chính sự kiện Fed liên tiếp tăng lãi suất giữa những năm 1990 đã khiến các đồng tiền châu Á bị bán tháo và khiến Nga vỡ nợ.

Điểm khác biệt

Tỷ giá linh hoạt

Các nước đang phát triển đã cho phép tỷ giá biến động linh hoạt và bãi bỏ chế độ tỷ giá cố định phổ biến trong cuộc khủng hoảng thời kỳ cuối những năm 1990. Mặc dù đồng nội tệ yếu hơn sẽ khiến lạm phát tăng, tăng trưởng sẽ được kích thích vì xuất khẩu rẻ hơn.

Dự trữ ngoại hối

Các nước đang phát triển đã có thể thích ứng tốt hơn với những biến động của thị trường tài chính. Nhóm này hiện đang nắm giữ 8.100 tỷ USD dự trữ ngoại hối, cao gấp nhiều lần so với con số 659 tỷ USD của năm 1999 (theo số liệu của IMF).

Nợ

Thay vì đi vay bằng USD, hầu hết các chính phủ tăng lượng đi vay bằng nội tệ, cho phép họ trả nợ một cách dễ dàng mà không ảnh hưởng đến dự trữ ngoại hối. Nợ nước ngoài tương đương 26% GDP của các nước đang phát triển trong năm ngoái, giảm so với mức 40% của năm 1999.
Một điểm khác biệt khác là các công ty đã thay thế chính phủ trở thành mối lo ngại về phát hành nợ. Các doanh nghiệp ở những nền kinh tế phát triển đã phát hành khoảng 375 tỷ USD nợ quốc tế trong giai đoạn 2009 – 2012, cao hơn gấp đôi so với 4 năm trước khủng hoảng tài chính 2008 (theo số liệu của Ngân hàng Thanh toán quốc tế BIS). 

Lãi suất

Mặc dù lãi suất đang tăng lên ở các nước đang phát triển, lãi suất vẫn ở mức rất thấp so với năm 1998. Nga đã tăng lãi suất cơ bản lên 17% kể từ ngày 16/12 sau một cuộc họp lúc nửa đêm. Lãi suất ngắn hạn đã tăng hơn 100% năm 1998. Còn ở Brazil, các nhà hoạch định chính sách đã nâng lãi suất cơ bản lên 11,75%, bằng một nửa so với năm 1998. 
Theo Infonet/Bloomberg
Share:

Trang

Nổi bật

Giới siêu giàu kiếm tiền từ đâu?