Kiến thức chứng khoán - Kinh nghiệm đầu tư chứng khoán

Thứ Tư, 29 tháng 7, 2015

Những cổ phiếu được chờ đợi lên sàn chứng khoán

Vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam dự kiến tăng thêm hàng tỷ đôla Mỹ sau khi các doanh nghiệp lớn niêm yết trong thời gian tới.
 
2015 được coi là năm quan trọng trong quá trình cổ phần hóa, bán vốn doanh nghiệp Nhà nước, kéo theo đó là việc nhiều doanh nghiệp lớn sẽ phát hành cổ phần ra công chúng. Thị trường chứng khoán khởi sắc trở lại cũng tạo động lực cho những doanh nghiệp tư nhân lên niêm yết để có thêm kênh huy động vốn.

Công ty Cổ phần Thế giới số (Digiworld)

Ngày 3/8, 23,58 triệu cổ phiếu DGW của Công ty cổ phần Thế giới số (Digiworld) bắt đầu giao dịch trên sàn TP HCM (HOSE) với giá tham chiếu 52.000 đồng. Sau Thế giới di động, một ông lớn khác trên thị trường phân phối thiết bị công nghệ số cũng sẽ lên sàn.

Digiworld được thành lập năm 1997, hiện phân phối hầu hết các nhãn hiệu máy tính xách tay lớn trên thế giới như Acer, Asus, Dell, HP, Lenovo, Toshiba, điện thoại thông minh Microsoft... Nhờ sự phát triển mạnh của lĩnh vực kỹ thuật số, công ty đạt kết quả kinh doanh khả quan trong những năm gần đây. Năm 2014, doanh nghiệp đạt gần 4.480 tỷ đồng doanh thu, tăng 60% so với năm trước; lợi nhuận sau thuế 128 tỷ đồng, tăng 149%. Lãi cơ bản trên một cổ phiếu đạt 14.607 đồng. Tỷ lệ trả cổ tức là 10% bằng tiền mặt và 30% bằng cổ phiếu.

Năm 2015, Digiworld đưa ra 2 kịch bản kinh doanh cho năm đầu tiên niêm yết. Nếu thị trường thuận lợi, công ty đặt mục tiêu doanh thu 7.300 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 178 tỷ đồng, tương ứng tăng 50% và 39% so với năm 2014. Trong trường hợp thị trường không thuận lợi, mục tiêu doanh thu và lợi nhuận là 6.000 tỷ đồng và 160 tỷ đồng, tăng lần lượt 23% và 25%. Công ty cũng duy trì mức cổ tức 40%.

Công ty Tài nguyên Masan (Masan Resources)
nui-phao2-7015-1437992265.jpg
Quang cảnh mỏ Núi Pháo của Masan Resources.

Sau gần 5 năm sở hữu dự án Núi Pháo, Tập đoàn Masan sẽ đưa đơn vị quản lý mỏ - Công ty Tài nguyên Masan (Masan Resources) niêm yết trên sàn UpCom vào cuối năm nay với mục tiêu cuối cùng là gia nhập sàn chứng khoán Hà Nội (HNX). Điều này đồng nghĩa với 720 triệu cổ phiếu Masan Resources sẽ được niêm yết trên sàn chứng khoán Hà Nội, trở thành một trong những mã có vốn hóa lớn Sở giao dịch phía Bắc.

Hiện tại, Tập đoàn Masan đã đầu tư 550 triệu USD vào mỏ Núi Pháo, trong đó có 250 triệu USD từ nguồn vốn chủ sở hữu. Núi Pháo được đánh giá là một trong những mỏ vonfram lớn nhất thế giới khi chiếm 33% tổng sản lượng toàn cầu (ngoại trừ Trung Quốc). Theo kế hoạch kinh doanh giai đoạn 2015- 2017, năm nay công ty đặt mục tiêu doanh thu gần 192 triệu USD, tăng lên 288 triệu vào năm 2016 và 320 triệu USD năm 2017. Lợi nhuận các năm tương ứng đạt 5,1; 52,4 và 94,4 triệu USD.

Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) đã đưa ra một số kịch bản định giá cho cổ phiếu này. Với phương pháp PE (giá/thu nhập), Masan Resources nằm trong khoảng từ 20.500 đến 70.000 đồng mỗi cổ phiếu. Theo giá trị doanh nghiệp/EBITDA - phương pháp định giá được sử dụng cho những doanh nghiệp có chi phí khấu hao cao thì mức giá từ 18.000 đến 105.000 đồng. Theo phương pháp PB (giá/giá trị sổ sách), cổ phiếu công ty này ở mức 15.091 đồng.

Ngoài ra, Masan Resources cam kết hằng năm sẽ chi trả cổ tức tối thiểu 50% thu nhập và tính dựa vào giá đôla Mỹ, biến đây trở thành kênh đầu tư tiềm năng thay thế vàng, bất động sản hay gửi tiền ngân hàng.

Tổng công ty Cảng hàng không (ACV)

Sau đợt IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng) của Tổng công ty Hàng không (Vietnam Airlines) năm 2014, năm nay, một ông lớn khác trong ngành là Tổng công ty Cảng hàng khống (ACV) dự kiến cũng ra mắt giới đầu tư sau khi phương án cổ phần hóa đã được Bộ Giao thông Vận tải trình lên Thủ tướng.

Trong khi Vietnam Airlines quản lý đội bay gồm 80 chiếc và chịu sự cạnh tranh gay gắt của các hãng khác, ACV lại độc quyền quản lý 22 sân bay dân dụng, lợi nhuận hơn 3.000 tỷ đồng năm 2014.
Theo phương án được Bộ Giao thông thông qua, tại thời điểm 30/6/2014, giá trị thực tế của doanh nghiệp khoảng 38.000 tỷ đồng, trong đó, phần vốn Nhà nước là 20.769 tỷ đồng. Công ty sẽ bán cổ phần theo 2 giai đoạn, với tỷ lệ vốn Nhà nước nắm giữ lần lượt giảm về 75% và 65%. Mức giá IPO dự kiến của ACV khoảng 11.100 đồng một cổ phiếu.

Tổng công ty Viễn thông MobiFone
mobifone-5672-1437992265.jpg
MobiFone khi niêm yết sẽ trở thành trụ đỡ trên sàn chứng khoán. Ảnh: Anh Quân

MobiFone hiện là doanh nghiệp viễn thông có thị phần lớn thứ hai ở Việt Nam, được cả nhà đầu tư trong lẫn ngoài nước săn đón, nhất là sau khi Chính phủ cho phép nới tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại công ty đại chúng. Theo yêu cầu của Thủ tướng, trong quý III/2015, Tổng công ty phải hoàn thành công bố giá trị doanh nghiệp và tiến hành cổ phần hóa trong quý IV/2015, tạo tiền đề cho quá trình niêm yết trên sàn.

Năm 2014, Công ty Chứng khoán TP HCM (HSC) ước tính giá trị doanh nghiệp này khoảng 3,4 tỷ USD và với mức tăng trưởng như hiện tại, giá trị của công ty có thể hơn 4 tỷ USD sau IPO. Hiện MobiFone có vốn điều lệ 12.600 tỷ đồng và sẽ tăng lên 15.000 tỷ vào cuối năm 2015. Nếu niêm yết trên sàn chứng khoán, đây sẽ trở thành một trong những cổ phiếu blue-chip trụ cột của thị trường.

Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco)

Ông lớn ngành bia IPO từ năm 2008, trong đó Bộ Công Thương nắm quyền đại diện vốn Nhà nước với tỷ lệ sở hữu 89,6%. Việc Nhà nước nắm đa số cổ phần là nguyên nhân chính khiến Sabeco chưa thể lên sàn sau gần 7 năm, bởi theo quy định, công ty muốn niêm yết phải có cổ đông bên ngoài sở hữu 20% vốn.

Với vị thế là doanh nghiệp chiếm giữ thị phần lớn nhất trong ngành bia, Sabeco được nhiều nhà đầu tư trông ngóng sẽ bán thêm cổ phần ra bên ngoài và bao giờ sẽ niêm yết. Câu hỏi này lại càng "khao khát" có lời giải hơn khi phương án bán vốn đang được trình Chính phủ xem xét.

Trước đó, ông Phan Đăng Tuất - Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cho biết Bộ Công Thương đã lên phương án bán 53% cổ phần thuộc sở hữu Nhà nước tại đơn vị này, giảm tỷ lệ sở hữu Nhà nước từ 89% xuống 36%. Hiện đã có hơn 10 nhà đầu tư đăng ký mua cổ phần của Sabeco, trong đó có một số tập đoàn nước ngoài như Ashahi (Nhật Bản), Heineken (Hà Lan), ThaiBev (Thái Lan) và SAB Miller (Mỹ)…, thậm chí, phía ThaiBev từng định giá công ty ở mức 2 tỷ USD.

Năm 2014, Sabeco đạt tổng doanh thu 29.788 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 3.672 tỷ đồng.
Huyền Thư - Vnexpress
Share:

Trang

Nổi bật

Giới siêu giàu kiếm tiền từ đâu?