Từ cơn cuồng loạn “Hoa tulip Hà Lan”tới cuộc Đại khủng hoảng thị trường Phố Wall là những bài học kinh tế xương máu mà lịch sử không thể nào quên lãng.
Từ cơn cuồng loạn “Hoa tulip Hà Lan”tới cuộc Đại khủng
hoảng thị trường Phố Wall là những bài học kinh tế xương máu mà lịch sử
không thể nào quên lãng.
Bong bóng kinh tế xảy ra khi hiện tượng đầu
cơ tràn lan trên thị trường làm giá cả hàng hóa hoặc tài sản giao dịch
tăng đột biến đến mức không tưởng. Sự nhảy vọt tài chính bất ngờ này là
cơ hội để người đầu cơ kiếm bẫm trong một khoảng thời gian ngắn, do vậy
các tay chơi càng ham hố đầu cơ mạo hiểm hơn nữa.
Song theo quy luật, bong bóng mong manh này
chắc chắn sẽ vỡ tung và hậu quả của nó đủ kinh khủng để cuốn sạch tài
sản của giới đầu tư cũng như nhấn chìm nền kinh tế thế giới. Từ cơn
cuồng loạn “Hoa tulip Hà Lan” hồi thế kỷ 17 tới cuộc Đại khủng hoảng thị
trường Phố Wall năm 1929 chính là những bài học kinh tế xương máu mà
lịch sử không thể nào quên lãng.
Hội chứng cuồng hoa tulip
Ai ngờ được hoa tulip lại khiến nhiều người phá sản?
Hoa tulip luôn được nhắc tới như một biểu tượng của tình yêu. Thế nhưng, vào thế kỷ 17 tại đất nước Hà Lan, loài hoa này lại hiện diện cho “sự tàn vong” của những nhà đầu tư quá tham vọng. Hà Lan lâm vào cảnh “ba chìm bảy nổi” không lâu sau khi hoa tulip trở thành cơn sốt ở thị trường châu Âu vào khoảng giữa thế kỷ 16. Lúc đó, tulip tượng trưng cho địa vị và quyền lực, chỉ dành riêng cho giới quý tộc và những kẻ lắm tiền yêu hoa. Khi lượng cầu vượt quá lượng cung, các nhà buôn đã khởi đầu canh bạc của mình để mua bằng được giống hoa hiếm này. Thợ nề, mục sư hay luật sư… đều nằm trong số đám đông đổ mạnh dòng vốn vào thị trường củ hoa.
Những khu chợ bán hoa mọc lên như nấm, trong
đó củ hoa được giao dịch theo cách thức giống với thị trường chứng
khoán Phố Wall ngày nay. Trong cơn đầu cơ tích trữ cuồng loạn, một củ
hoa tulip bỗng trở thành vật quy đổi ngang bằng với mọi thứ, từ một cỗ
xe kéo, một đôi ngựa, hàng chục tấn lúa mạch tới hàng trăm kg pho mát.
Sức mạnh của “cổ phiếu” củ hoa tulip không
hề suy giảm cho tới tháng 2/1637 khi thị trường “hốt bạc” này bỗng nhiên
đổ sập xuống do các tay chơi lớn quyết định bán tháo. Giá củ hoa rơi
thẳng đứng chỉ còn 1% giá trị đã khiến các nhà buôn hoảng loạn chạy đua
để xả sạch kho dự trữ. “Nhà buôn giàu có bị hạ cấp gần như thành kẻ ăn
mày. Nhiều người trong hàng ngũ quý tộc chứng kiến cơ đồ của mình bị phá
hủy mà không thể cứu vãn”, nhà báo người Scotland Charles Mackay viết
trong cuốn sách của ông về thời kỳ này.
Chính phủ Hà Lan đã lập ra một hội đồng chịu
trách nhiệm dọn sạch đống đổ nát mà “cơn cuồng loạn” tulip gây ra, tuy
nhiên nền kinh tế nước này vẫn chìm trong khủng hoảng tới nhiều năm sau
đó.
Bong bóng South Sea
Bức họa mô tả bầu khí sôi động của thị trường chứng khoán thời thế kỷ 18.
“Bong bóng” là thuật ngữ chính xác để miêu tả về vụ bùng nổ tài chính của Công ty cổ phần South Sea của Anh hồi thế kỷ 18. Công ty này hoạt động theo hình thức đối tác công tư, được thành lập năm 1711 với mục đích giảm bớt gánh nặng nợ chiến tranh khoảng 50 triệu bảng Anh của quốc gia, tương đương với 100% GDP lúc đó.
South Sea là công ty thương mại Anh duy nhất
được hoạt động tại vùng biển Nam Mỹ song chỉ thu được số lợi nhuận ít
ỏi do phía Tây Ban Nha cũng chiếm giữ một thị trường lớn tại khu vực
này. Mặc dù không thành công trong kinh doanh nhưng South Sea lại thuyết
phục được chính phủ Anh chấp thuận việc chuyển đổi một số phần món nợ
quốc gia thành cổ phần của công ty.
Tới năm 1720, tin đồn rộ lên rằng công ty
này được “nâng đỡ” và sắp nhận được hợp đồng chuyển hóa nốt phần nợ quốc
gia khổng lồ còn lại. Chớp lấy thời cơ, South Sea liền phát hành một số
cổ phiếu ra thị trường đồng thời cho phép người mua thanh toán làm
nhiều đợt. Bởi vậy người dân từ mọi tầng lớp xã hội đã hùa nhau cùng
tham gia kiếm lời.
Từ tháng 1 đến tháng 6/1720, giá trị mỗi đầu
cổ phiếu của South Sea đã nhảy bước ngoạn mục từ 128 bảng lên gần 1.000
bảng. Nhưng chỉ một tháng sau, quả bong bóng bị thổi phồng quá sức bỗng
bục vỡ khi chính những lãnh đạo công ty cũng nhận thấy sự yếu kém và
giá trị không thực của lá cổ phiếu.
Giá cổ phiếu rớt xuống sàn kéo theo một trận
bán tháo điên loạn. Tới thời điểm cuối năm, hàng ngàn người mất trắng
tài sản vì South Sea. Kết quả điều tra của chính phủ Anh sau đó đã phát
hiện một số chính trị gia và lãnh đạo của công ty có hành vi tham nhũng,
nhận hối lộ. Khi mọi việc vỡ lở thì các nhà đầu tư chỉ còn
trong tay những tờ giấy vô giá trị.
Bong bóng Mississippi
Nhà kinh tế John Law.
Năm 1716, nước Pháp rơi vào tình trạng cạn
kiệt nguồn tiền kim loại quý và ngập trong đống nợ. Để giải quyết khủng
hoảng, hoàng gia Pháp đã nhờ tới chuyên gia kinh tế người Scotland có
tên John Law, người được mệnh danh là một phù thủy tài chính. John Law
đã gợi ý nước này sử dụng đồng tiền giấy để vực dậy nền kinh tế.
Với sự trợ giúp của hoàng gia, Law đã lập ra
một ngân hàng, đồng thời phát hành tiền giấy. Một năm sau đó, Law lập
ra công ty Mississippi rồi trở thành công ty thương mại hoạt động độc
quyền tại vùng lãnh thổ Louisiana của Pháp (nay thuộc Mỹ). Công ty
Mississippi bắt đầu bán cổ phần đổi lấy trái phiếu chính phủ và tiền
giấy. Sự việc này đã nhanh chóng gây một cơn sốt trong lòng công chúng.
Trong vòng chưa đầy 1 năm, giá trị mỗi lá phiếu đã tăng kinh khủng từ
500 livre tới 18.000 livre (đơn vị tiền tệ của Pháp lưu hành khoảng năm
781 – 1794).
Thoạt đầu kế hoạch tài chính của Law đã tác
động tích cực đến nền kinh tế và giúp nhiều nhà đầu cơ trở nên giàu có.
Tuy nhiên công ty Mississippi này chưa bao giờ kinh doanh thành công
trên đất Louisiana. Ngoài ra, ngân hàng của ông còn in quá nhiều tiền
giấy để đáp ứng nhu cầu mua cổ phiếu của giới đầu tư, dẫn đến tình trạng
lạm phát tăng vọt.
Năm 1720, toàn bộ hệ thống tài chính này đã
sụp đổ sau khi xảy ra tình trạng các nhà đầu tư nghi ngờ đòi đổi tiền
giấy. Trong khi đó, thực tế số đồng xu vàng mà nhà nước hiện có lại rất
ít ỏi, không đủ để quy trả cho một bộ phận người dân. Ngay lập tức, một
luồng sóng bán tháo đã diễn ra trong hoảng loạn kéo theo sự lao dốc của
cổ phiếu công ty Mississippi. Hàng ngàn triệu phú mới nổi biến thành kẻ
bần cùng chỉ sau một đêm. “Kẻ lập công” Law sau khi “bại trận” đã bị
trục xuất khỏi nước Pháp.
Quả bom nhà đất Florida
Cơn sốt ảo tại "Vùng đất của ánh nắng" Florida đốt cháy tiền bạc của giới đầu tư.
Bang Florida của Mỹ nổi tiếng là vùng đất
của sự sôi động. Năm 1920, dân số ở khu vực này vào khoảng 968.000 người
nhưng chỉ 5 năm sau đó, con số này đã tăng lên trên 1.263.000 người.
Điều gì đã dẫn đến sự gia tăng này? Vào thời điểm gọi là “Tiếng gầm của
thập niên 20”, nền kinh tế Mỹ sau Chiến tranh thế giới thứ nhất đang
trên đà phát triển hưng thịnh. Người công nhân lành nghề được trả lương
hậu hĩnh, đời sống ổn định nên họ bắt đầu nghĩ đến việc mua nhà để sinh
sống. Rất đông người quyết định đến vùng “thiên đường nhiệt đới” này để
tìm mua nhà giá rẻ. Thị trường nhà đất tại đây đã diễn ra rất sôi nổi,
khoảng giữa những năm 1920, giá nhà thường vụt tăng gấp đôi chỉ sau vài
tháng.
Cơn sốt mua nhà giá thấp bán giá cao đã
khiến nhiều người đầu cơ tiếp tục mạnh tay rót vốn mặc dù họ thậm chí
chưa bao giờ đặt chân tới Florida. Không ít trường hợp kẻ đầu tư không
có đủ tiền mua nhà, mới chỉ đặt cọc một phần tiền đã kịp thời sang tay
cho người khác để kiếm lời. Tình trạng mua đi bán lại có phần mù quáng
đã tạo điều kiện cho những kẻ lừa đảo kiếm chác bằng các miếng đất ảo
hoặc có vị trí xấu. Giá nhà bị thổi phồng kéo theo nạn lạm phát đã khiến
cuộc sống ở Florida trở nên khó thở.
Báo chí Mỹ bắt đầu viết về thực trạng người
dân có xu hướng rời bỏ vùng đất này bên cạnh một thực tế là tuyến đường
sắt chở vật liệu xây dựng tới đây đã quá tải và ngừng hoạt động. Điều
này đã khiến các khách mua trở nên thận trọng hơn. Một loạt các vụ thiên
tai sau đó đã tước mất danh hiệu “vùng đất thiên đường” của Florida,
hàng ngàn héc ta đất đắt đỏ không có người mua, các nhà đầu cơ bất động
sản bỗng rơi vào cảnh thua lỗ, phá sản.
Hỗn loạn cổ phiếu đường sắt
Những năm 1840, sự ra đời của hệ thống đường
sắt hiện đại đã thổi bùng lên cuộc cách mạng công nghệ ở Anh. Chỉ trong
vài năm ngắn ngủi đã có hàng trăm dự án đường ray được Quốc hội Anh phê
chuẩn với tổng chiều dài hơn 15.000km. Dự án sau luôn tham vọng và
hoành tráng hơn dự án trước nó. Theo học giả Andrew Odlyzko, lượng tiền
mà chính phủ đầu tư cho việc xây dựng đường sắt có lúc còn nhiều gấp đôi
số tiền chi vào quân đội. Nhờ vậy mà cổ phiếu đường sắt trở thành một
hạng mục thu hút các nhà kinh doanh đầu cơ ồ ạt.
Bất chấp niềm tin tưởng của giới đầu tư,
ngành công nghiệp đường sắt lại thể hiện không ổn định. Sau đỉnh điểm
vào năm 1845, giá cổ phiếu đường sắt phải trải qua nhiều năm lao dốc đau
đớn. Tính đến năm 1850, các khoản đầu tư bốc hơi 50% giá trị. Hàng ngàn
người như ngồi trong chảo lửa, trong đó có nữ tiểu thuyết gia nổi tiếng
Charlotte Bronte khi những lá phiếu của cô tụt giá từ 120 bảng xuống
còn xấp xỉ 20 bảng. “Rất, rất nhiều người bị hệ thống đường sắt kỳ lạ
này cướp đi miếng ăn hàng ngày”, bà viết.
Phố Wall sụp đổ
Tờ Brooklyn Daily Eagle đưa tin về sự kiện Phố Wall sụp đổ.
Trong thời kỳ vàng son thập niên 1920, chứng khoán Mỹ bùng
nổ như chưa từng diễn ra trước đây. Vô số người dân thường Mỹ dùng
những khoản vay dài hạn đầu tư vào chứng khoán với giấc mộng giàu có và
họ đã được đền bù bằng lợi nhuận tăng lên gấp bốn lần trong khoảng thời
gian từ 1920-1929.
Người đầu tư chứng khoán tự tin thực hiện
các giao dịch ký quỹ, bằng cách mượn tiền của nhà môi giới, trong khi
các ngân hàng bắt đầu đầu cơ tiền của khách hàng mà không tuân thủ quy
định. Tới cuối năm 1929, giá chứng khoán tăng với tốc độ không tưởng.
Các bộ phận khác của nền kinh tế không theo kịp tốc độ leo thang của thị
trường chứng khoán nên đã làm dấy lên những đồn đại về khả năng xảy ra
một sự đổ vỡ. Thấy vậy, rất nhiều nhà kinh tế uy tín hàng đầu nước Mỹ đã
trấn an người đầu tư bằng lời cam kết rằng “thị trường có xu hướng tăng
giá”.
Sự lạc quan cuối cùng cũng biến mất vào ngày
24/10/1929, được biết tới như “Ngày thứ Năm đen tối”. Các chỉ số chứng
khoán ngày hôm đó đã “cắm đầu lao thẳng”. Các nhà đầu tư đã thực hiện 13
triệu giao dịch bán tháo hoặc chuyển đổi trong cơn hoảng loạn khiến
bảng điểm ở các sàn chứng khoán Phố Wall không thể đăng tải kịp các hoạt
động giao dịch.
Sự đổ vỡ kinh hoàng tiếp tục xảy ra vào
“Ngày thứ Ba đen tối” khi thị trường ghi nhận đà tụt dốc nhanh hơn
trước. Hàng tỷ USD đã bốc hơi khỏi nền kinh tế, khởi đầu một quá trình
tài chính hỗn loạn với việc 4.000 ngân hàng đổ vỡ vào năm 1933. Sự rối
ren này đã dẫn tới cuộc Đại suy thoái chấn động lịch sử, gây hậu quả
nặng nề cho nước Mỹ và lan rộng ra châu Âu trong suốt một thập kỷ. Nhà
nghiên cứu Boris Borisov ước tính số nạn nhân của cuộc khủng hoảng tài
chính tại Mỹ là hơn 7 triệu người.
Nguồn Tin tức