Kiến thức chứng khoán - Kinh nghiệm đầu tư chứng khoán

Thứ Năm, 13 tháng 8, 2015

Kinh tế toàn cầu nhận “cú đấm” mang tên CNY

Trung Quốc đã làm cả thế giới bất ngờ không chỉ việc phá giá Nhân dân tệ (CNY) mà còn phá giá 2 lần liên tiếp trong 2 ngày vừa qua, ở mức độ có thế coi là chưa từng thấy trong nhiều năm (lần lượt là 1,9% và 1,6%).


Việc phá giá đồng tiền của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới ở mức độ lớn trong thời gian ngắn như vậy chắc chắn sẽ gây ra tác động không nhỏ lên toàn cầu, trong đó có Việt Nam.

“Kích thích” Việt Nam nhập siêu

Với Việt Nam, điều đầu tiên phải nhắc đến là quan hệ thương mại khá đặc biệt giữa Việt Nam với Trung Quốc. Trung Quốc không chỉ là bạn hàng thương mại lớn nhất của Việt Nam mà còn là nước gây ra nhập siêu lớn nhất cho Việt Nam, lên đến vài chục tỷ USD trong mấy năm gần đây.

Chỉ riêng nửa đầu năm nay, nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc đã là 16,5 tỷ USD, trong khi nhập siêu của Việt Nam với thế giới là 3,1 tỷ USD.

Khi CNY yếu đi đáng kể như trên thì “nạn nhân” đầu tiên ở Việt Nam sẽ là các doanh nghiệp sản xuất nội địa. Cho dù hàng hóa của họ được tiêu thụ ở thị trường trong nước hay xuất khẩu thì khối lượng hàng hóa tiêu thụ sẽ chịu áp lực suy giảm bởi chúng trở nên đắt hơn so với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Cứ mỗi 1 điểm phần trăm mất giá của CNY sẽ làm cho hàng hóa của Việt Nam đắt hơn 1 điểm phần trăm so với hàng hóa tương ứng của Trung Quốc trên thị trường Việt Nam hay các thị trường quốc tế mà cả Việt Nam và Trung Quốc cùng xuất khẩu sang.

Theo đó, các mặt hàng bị ảnh hưởng trực tiếp là điện thoại di động, dệt may, giày dép, và các mặt hàng công nghiệp lắp ráp, chế tạo khác.

Ngược lại, vì đồng CNY yếu hơn sẽ làm cho hàng Trung Quốc rẻ hơn trên thị trường trong nước. Điều này khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu hàng Trung Quốc về bán lại trên thị trường Việt Nam, thay thế hàng sản xuất nội địa. Các mặt hàng này rất đa dạng, từ những mặt hàng tiêu dùng như bó đũa, que tăm đến những thứ "khủng" hơn như máy móc, ô tô, phụ tùng... và chúng sẽ ngày càng tràn ngập thị trường Việt Nam. Chính những doanh nghiệp nhập khẩu và phân phối hàng Trung Quốc này là người hưởng lợi từ việc phá giá CNY.

Những doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu nguyên vật liệu từ Trung Quốc để sản xuất và tiêu thụ nội địa dường như được lợi vì giá nhập khẩu giảm xuống khi quy đổi từ CNY sang USD. Tuy vậy, vấn đề không dừng lại ở đó. Dù họ có điều kiện hạ giá bán (vì giá thành sản xuất đã giảm so với trước khi CNY bị phá giá), nhưng như đã nói ở trên, sản phẩm của họ cũng trở nên kém cạnh tranh hơn so với sản phẩm hoàn chỉnh nhập khấu từ Trung Quốc, vì hàng sản xuất ở Trung Quốc không chỉ được hưởng lợi từ giá nguyên nhiên liệu đầu vào sụt giảm mà kể cả những chi phí cố định và lưu động khác như lao động, nhà xưởng, điện nước v.v... tính bằng CNY cũng sụt giảm theo sự mất giá của CNY nếu quy những chi phí này ra USD hoặc VND.

Sự sụt giảm của hàng xuất khẩu từ Việt Nam song song với sự xâm lấn của hàng nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ đặt Việt Nam vào tình trạng phải chứng kiến nhập siêu với Trung Quốc tăng nhanh và mạnh hơn nữa.

Dẫn đầu “phong trào” phá giá bản tệ

Ngoài những tác động trực tiếp từ sự mất giá của CNY như nói ở trên, Việt Nam còn chịu thêm tác động gián tiếp thông qua sự mất giá của hàng loạt đồng bản tệ khác trên thế giới. Nhiều quốc gia đã lập tức "hưởng ứng" sự phá giá CNY bằng hành động phá giá bản tệ của mình thêm nữa, xuống đến mức thấp kỷ lục chưa từng thấy trong nhiều năm.

Sự mất giá của đồng bản tệ của các nước khác, trong đó không ít nước là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam trên các thị trường xuất khẩu, hoặc ở những thị trường xuất khẩu/nhập khẩu chính của Việt Nam, sẽ mang đến những tác động tiêu cực tương tự như của CNY lên xuất khẩu và cán cân thương mại của Việt Nam.

Tóm lại, việc phá giá CNY lần này của Trung Quốc có thể coi là một “cú đấm” không chỉ với Việt Nam mà còn với nhiều nước khác trên thế giới. Nên cũng dễ hiểu tại sao nhiều nước đã phản ứng một cách quyết liệt với động thái này của Trung Quốc. Người ta đang lo ngại rằng “cuộc chiến tiền tệ” này sẽ không sớm có điểm dừng.

Đối mặt với tình hình hiện tại, Việt Nam không thể đứng ngoài “cuộc chơi”. Sáng 12/8, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đưa ra quyết định thay đối chính sách quyết liệt duy trì ổn định tỷ giá VND bằng việc nới lỏng biên độ biến động tỷ giá lên 2%.

Tuy nhiên, trong bối cảnh các nước nói chung, và đặc biệt là Trung Quốc, đã chủ động phá giá bản tệ của họ, và trong chừng mực cuộc chiến này chưa chấm dứt thì thiết nghĩ NHNN cần tiếp tục nới lỏng tỷ giá VND thêm nữa, để đảm bảo Việt Nam không bị thua thiệt quá nhiều trong cuộc đua mới này.

TS. PHAN MINH NGỌC
(DNSG) 
>> Cổ phiếu tháng 8: Quan tâm đến yếu tố nội tại ngành
>> Chứng khoán toàn cầu “đỏ lửa” vì Trung Quốc


Share:

Trang

Nổi bật

Giới siêu giàu kiếm tiền từ đâu?