VIT: Khuyến nghị mua vào
CTCK APEC (APS)
Ngành gạch ốp lát trong nước đang bắt
đầu thời kỳ thuận lợi khi bất động sản ấm lên tạo điều kiện cho tăng
trưởng doanh thu; gạch trong nước đang thiếu cung 150 triệu m2 và kỳ
vọng 5 năm nữa cung cầu mới cân bằng; gạch trong nước vẫn được nhà nước
bảo hộ cao khi thuế nhập khẩu giữ ở mức cao, 5-35%.
Doanh thu CTCP Vigracera Tiên Sơn (mã
VIT) dự kiến sẽ tăng trưởng hơn 30% trong năm 2016 nhờ mở rộng sản xuất ở
nhà máy Thái Bình. Trong năm 2015, VIT nâng tổng công suất các nhà máy
và kỳ vọng sẽ ghi nhận thêm 10 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế và 720 đồng
EPS. Công suất nâng thêm 1,5 triệu m2 từ mức 4,5 triệu m2. VIT cũng đã
có kế hoạch nâng công suât nhà máy ở Thái Bình lên 8 triệu m2 vào năm
2018.
Biên lợi nhuận gộp sẽ được cải thiện
đáng kể 2-3% nhờ đầu tư dây chuyền và xu hướng nguyên vật liệu giảm
trong ngắn hạn. Năm 2014, công ty đầu tư 40 tỷ để xây dựng 4 gói sản
phẩm giúp màu gạch đều hơn, vân gạch nổi và giảm hao hụt 0,3 - 1%. Chi
phí vận chuyển nguyên vật liệu xương và chi phí khí CNG vẫn đang được
hưởng lợi do mặt bằng giá dầu giảm, cụ thể giá khí CNG dành cho VIT đã
giảm từ 10.5$/mmBTU xuống còn 9.3$/mmBTU.
Xuất khẩu là động lực tăng trưởng cho
tương lai vì các quốc gia phát triển như Italia hạn chế sản xuất gạch vì
vấn đề môi trường; các FTAs mà Việt Nam ký kết sẽ giúp giảm thuế xuất
khẩu và Công ty sản xuất nhiều sản phẩm chất lượng cao hơn đảm bảo tiêu
chuẩn thế giới. Trong vài năm tới, mảng xuất khẩu kỳ vọng sẽ tăng trưởng
25-40%.
Bên cạnh đó, ngành gạch ốp lát còn có
khá nhiều rủi ro. Cụ thể, nợ phải trả/Tổng nguồn vốn của VIT khá cao, từ
75-80%. Hơn nữa công ty dự định phát hành 100 tỷ đồng trái phiếu để đầu
tư cho nhà máy Thái Bình. Theo các chuyên gia đánh giá, đến cuối 2015,
đầu 2016 lãi suất cho thể tăng và sẽ ảnh hưởng lớn tới lợi nhuận của
VIT.
Chúng tôi định giá mỗi cổ phiếu của VIT ở
mức 26.378 đồng. Giá hiện tại của VIT là 16.300 đồng. Do đó chúng tôi
khuyến nghị các nhà đầu tư mua cổ phiếu này với tầm nhìn đầu tư 1 năm,
lợi nhuận kỳ vọng 62%.
>> Tải báo cáo
DVP: PE thấp hơn bình quân ngành, ở mức 9 lần
CTCK MayBank KimEng (MBKE)
Ngày 24/11/2015 tới, CTCP Đầu tư và Phát
triển Cảng Đình Vũ (mã DVP) sẽ là ngày đăng ký cuối cùng quyền nhận cổ
tức tiền mặt tạm ứng cho năm 2015, tỷ lệ 2.000 đồng/cp, thời gian thanh
toán dự kiến là 18/12/2015. Theo kế hoạch đã được ĐHCĐ thường niên 2015
thông qua, DVP dự kiến mức cổ tức tiền mặt chi trả cho năm 2015 là 2.000
đồng/cp, tương đương tỷ suất cổ tức 3,1%.
DVP đạt kết quả kinh doanh tốt trong 9
tháng đầu năm 2015 với 493 tỷ doanh thu (+27% so với cùng kỳ) và 251,1
tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (+38,3% so với cùng kỳ). Ngoài việc sản
lượng hàng thông qua cảng tăng trưởng tốt so với cùng kỳ, thì đột biến
từ doanh thu container lạnh đã đóng góp đáng kể cho tăng trưởng của công
ty trong 9 tháng đầu năm. DVP đã hoàn thành 89,6% kế hoạch doanh thu
2015 và vượt 14,1% kế hoạch lợi nhuận trước thuế cả năm.
Chúng tôi kỳ vọng kết quả lợi nhuận
trước thuế 2015 của DVP có thể cao hơn khoảng 46% so với kế hoạch đặt
ra, đạt 321 tỷ đồng (+32,5% so với năm trước). EPS 2015 ước đạt khoảng
7.223 đồng/cp, tương đương với PE khoảng 9 lần, thấp hơn bình quân ngành
(gần 11 lần). So với mức EPS 2015 ước tính này, tỷ lệ chi trả cổ tức/cp
(payout ratio) của DVP chỉ đang ở mức 28%, thấp hơn tỷ lệ 53% của năm
2014 và bình quân 47% của 4 năm gần nhất. Do vậy, nhiều khả năng cổ tức
2015 của DVP sẽ cao hơn so với kế hoạch đề ra.
ACB: Không mấy lạc quan về lợi nhuận năm tới
CTCK MayBank KimEng (MBKE)
Ngân hàng Thương Mại Cổ Phần Á Châu
(ACB) công bố báo cáo KQKD hợp nhất quý III/2015. Theo đó, tổng thu nhập
của ACB tăng 51,9% so với cùng kỳ nhưng tăng trưởng lợi nhuận trước
thuế chỉ đạt 5,3% so với cùng kỳ do chi phí hoạt động tăng 45% và các
khoản dự phòng tăng 375%.
Lưu ý rằng các khoản dự phòng của ACB
trong quý III/2015 lớn hơn rất nhiều so với thời điểm quý III/2014 do
trích dự phòng rất thấp trong giai đoạn này. Nợ xấu (NPL) của ACB đã
giảm xuống còn 1,5% tổng dư nợ nhưng cần lưu ý các khoản vay, trái phiếu
và các khoản phải thu ước tính khoảng 5.339 tỷ đồng của 6 công ty liên
quan đến ông Nguyễn Đức Kiên vẫn chưa được xếp vào nhóm nợ xấu.
Tổng thu nhập của ACB tăng trưởng 52% so
với cùng kỳ đạt 2.005 tỷ đồng nhờ (1) tăng trưởng thu nhập từ lãi đạt
47,5% so với cùng kỳ nhờ sự tăng mạnh thu nhập ròng từ hoạt động cho vay
và chi phí lãi khác giảm 70% so với cùng kỳ (chúng tôi lưu ý rằng thu
nhập lãi từ hoạt động cho vay trong quý III/2015 tăng 7,2% so với cùng
kỳ mặc dù lãi suất cho vay trung bình tương đối thấp); và (2) các khoản
đầu tư và kinh doanh chứng khoán tăng mạnh 179% so với cùng kỳ.
ACB báo cáo lợi nhuận trước thuế cho năm
2014 đạt 1.216 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế trong 9 tháng đầu năm
2015 đạt 1.090 tỷ đồng.
Ở mức giá đóng cửa của ngày hôm nay
20.600 đ/cp, ACB được giao dịch ở mức P/B dự phóng 1,5lần, cao hơn so
với mức trung bình của 8 ngân hàng niêm yết trên thị trường chứng khoán
trong nước 1,4 lần . Giá cổ phiếu ACB đã tăng khoảng 40% so với đầu năm
chủ yếu do xu hương chung của các ngân hàng (tỷ lệ nợ xấu thấp, kết thúc
giai đoạn 1 của quá trình tái cơ cấu ngành ngân hàng gia đoạn 2011 -
2015) và kỳ vọng rằng việc trích lập dự phòng cho các khoản nợ xấu của
ACB sẽ giảm đáng kể từ năm 2016 trở đi.
Kết quả quý IV/2015 của ACB có thể sẽ hỗ
trợ phần nào cho giá cổ phiếu của ACB – hiện tại khá thấp so với mức
giá năm ngoái. Tuy nhiên do các khoản cho vay liên quan đến 6 công ty
như đã nêu trên khá lớn, đã phải trích lập dự phòng gần 10%, chúng tôi
không mấy lạc quan về việc lợi nhuận của ACB sẽ được cải thiện trong năm
tới.
VSC: PE xấp xỉ ngành, khoảng 10 lần
CTCK MayBank KimEng (MBKE)
CTCP Tập đoàn Container Việt Nam (mã
VSC) cho biết, lợi nhuận sau thuế quý III/2015 tăng trưởng mạnh đến
82,4% so với cùng kỳ, đạt 89,3 tỷ đồng trong khi doanh thu quý III/2015
chỉ tăng 16,2% so với cùng kỳ, đạt 244,5 tỷ đồng. Điều này chủ yếu là
nhờ đột biến từ mảng container lạnh trong kỳ với 70 tỷ đồng doanh thu,
đóng góp gần 29% tổng doanh thu cho VSC.
Tính chung 9 tháng đầu năm 2015, doanh
thu từ mảng container lạnh của VSC đã lên tới 140 tỷ đồng, so với mức
50-60 tỷ của cả năm 2014. Biên lợi nhuận gộp của mảng container lạnh
cao, thông thường là từ 50%, nhờ đóng góp doanh thu từ mảng này gia tăng
đáng kể trong kỳ, biên lợi nhuận gộp quý III/2015 của VSC đạt 46,3%,
tăng cao so với mức 32,7% của quý III/2014. Tỷ lệ chi phí bán hàng và
quản lý/doanh thu cũng giảm 2,5 điểm phần trăm so với cùng kỳ trong quý
III/2015, xuống còn 4,4%. Theo đó, tăng trưởng lợi nhuận ròng quý
III/2015 cao hơn nhiều so với doanh thu.
Kết thúc 9 tháng đầu năm 2015, VSC đạt
225,1 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 39,2% so với cùng kỳ và vượt
13,1% kế hoạch cả năm 2015. Kết quả này cũng cao hơn khoảng 14,1% so với
số 197,2 tỷ đồng lãi ròng ước tính cho 9 tháng đầu năm 2015 trước đây
của chúng tôi.
Nguyên nhân chủ yếu là do doanh thu từ
mảng container lạnh cao hơn nhiều so với dự báo. Thực tế, doanh thu
container lạnh thường biến động bất thường theo chính sách tạm nhập tái
xuất của Trung Quốc nên việc dự báo thường khá khó khăn. Với 697 tỷ đồng
doanh thu (+7,6% n/n) đạt được trong 9 tháng đầu năm 2015, VSC cũng đã
hoàn thành hơn 87% kế hoạch doanh thu 2015.
Cổ phiếu VSC đang giao dịch ở mức PE
2015 khoảng 10 lần, xấp xỉ mức bình quân ngành. Triển vọng ngành nhìn
chung là tích cực nhờ kỳ vọng hưởng lợi gián tiếp từ TPP cũng như các
hiệp định thương mại tự do khác trong thời gian tới. Trong khi đó, VSC
là một trong số ít các công ty cảng đang mở rộng công suất hoạt động. Dự
kiến giai đoạn 1 của dự án cảng mới (VIP Green Port) sẽ đi vào hoạt
động trong tháng 11/2015, giúp tăng khoảng 50% công suất. Giá cổ phiếu
này đã tăng hơn 60%, tính từ đầu năm đến nay.
T.Thúy - ĐTCK