Thị trường tuần qua dù giữ vững được mốc
hỗ trợ 610, thậm chí có thời điểm đã vượt được mốc 615, nhưng nhìn
chung lại không nhiều sự tích cực. Áp lực bán đã gia tăng trên diện
rộng, song VN-Index vẫn tăng tổng cộng 0,83% dựa vào một số mã vốn hóa
lớn như VNM, FPT...
Việc phụ thuộc nhiều vào các mã lớn
khiến đà tăng của thị trường kém bền vững. Sự phân hóa theo đó trở nên
nặng nề bởi dòng tiền chỉ tập trung tại một số mã và cũng đã hạn chế
hơn, thanh khoản do vậy mà sụt giảm.
Về giao dịch khối ngoại, họ chỉ nhúc
nhắc mua ròng, tập trung chủ yếu các mã vừa và nhỏ, trong khi bán dần
các mã lớn đã tăng tốt thời gian qua.
Đánh giá các diễn biến trên, nhiều ý
kiến cho rằng, dù đà tăng ngắn hạn vẫn được đảm bảo, nhưng xung lực của
thị trường đã yếu đi rõ rệt, vì vậy vùng 615-620 điểm sẽ là vùng kháng
cự rất mạnh. Bên cạnh đó, sức ép lên nhóm cổ phiếu lớn được dự báo sẽ
mạnh hơn trong tuần giao dịch này, vì vậy mà thị trường sẽ chịu sự rung
lắc mạnh hơn và không loại trừ khả năng sẽ có điều chỉnh sâu.
Trở lại phiên giao dịch sáng 9/11, sau
những diễn biến không mấy sáng sủa ở tuần giao dịch trước, sự thận trọng
đã được thể hiện ngay khi mở cửa phiên giao dịch đầu tuần mới. Các chỉ
số đều khởi đầu trong sắc đỏ khi nhiều mã lớn giao dịch dưới tham chiếu,
thanh khoản được giữ ở mức trung bình.
Kết thúc đợt 1, VN-Index giảm 0,07 điểm (-0,01%) xuống 612,29 điểm, tổng khối lượng giao dịch đạt 3,4 triệu đơn vị, giá trị 41,49 tỷ đồng.
Bước sang đợt khớp lệnh liên tục, VN-Index bắt đầu hồi dần khi sức ép ở các cổ phiếu lớn này đã được giảm bớt.
Các mã như VIC, VCB, KDC, REE, PVT có
được sắc xanh nhẹ, trong khi VNM, FPT, BVH, SSI, STB... đứng giá tham
chiếu. Một vài mã khác giữ sắc đỏ nhẹ là GAS, HAG, HPG...
Trong nhóm cổ phiếu lớn còn đang “dậm
dịch” thì mọi chú ý đang đổ dồn về mã FLC. Cuối tuần rồi, FLC vừa tổ
chức buổi gặp mặt nhà đầu tư với nhiều thông tin tích cực được đưa ra.
Trong đó, đáng chú ý là tuyên bố của Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết rằng
sẵn sàng cầm cố tài sản để mua lại cả vốn điều lệ Công ty nếu đến năm
2016, thị giá cổ phiếu FLC vẫn dưới mệnh giá.
Có lẽ nhờ vậy, cổ phiếu FLC đã tăng kịch
trần lên 7.400 đồng ngay từ khi mở cửa với thanh khoản tăng vọt khi
khớp hơn 11,7 triệu sau chưa đầy 1 giờ giao dịch. Đây là mức thanh khoản
mạnh mà khá lâu nay FLC mới có trở lại.
Ngoài ra, cũng gây sự chú ý là nhóm cổ
phiếu dầu khí cũng đang đồng loạt giảm điểm do giá thế giới tiếp tục sụt
giảm, dù không mạnh.
Trên HNX, HNX-Index đang giằng co mạnh
quanh tham chiếu khi một số mã lớn trên sàn này đang nỗ lực tăng đỡ chỉ
số như NTP, LAS, PLC, VCG, DBC, AAA...
Dần về cuối phiên, trong khi giao dịch ở
nhóm cổ phiếu lớn tiếp tục được cả 2 bên mua và bán duy trì, thì nhóm
cổ phiếu vừa nhỏ giao dịch khá sôi động. Tuy vậy, thanh khoản chung của
thị trường vẫn chưa cải thiện nhiều.
Kết thúc phiên giao dịch sáng,
VN-Index giảm 0,37 điểm (-0,06%) xuống 611,99 điểm với 108 mã giảm và
89 mã tăng. Chỉ số VN30-Index giảm 1,64 điểm (-0,26%) xuống 621,03 điểm
với 16 mã giảm và 9 mã tăng.
Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 68
triệu đơn vị, giá trị trên 1.129 tỷ đồng. Trong đó giao dịch thỏa thuận
đóng góp 5,8 triệu đơn vị, giá trị 186,39 tỷ đồng. Đáng chú ý có thỏa
thuận của 2 triệu cổ phiếu HSG, giá trị 88,6 tỷ đồng; 1,025 triệu đơn
vị, giá trị 14,35 tỷ đồng; 1 triệu cổ phiếu PDR giá trị 13 tỷ đồng;
0,272 triệu cổ phiếu VNM giá trị 37,5 tỷ đồng...
Còn với 76 mã giảm và 58 mã tăng,
HNX-Index tăng 0,02 điểm (+0,02%) lên 81,47 điểm. Chỉ số HNX30-Index
tăng 0,32 điểm (+0,21%) lên 150,86 điểm với 12 mã giảm và 7 mã tăng.
Tổng khối lượng giao dịch đạt 22,3 triệu đơn vị, giá trị 209,73 tỷ đồng. Trong đó giao dịch thỏa thuận không đáng kể.
Trên HOSE, sức ép ở các mã lớn dù không
mạnh, song do sức cầu tỏ ra thận trong nên đa phần giữ sắc đỏ như MSN,
FPT, REE, HAG, HPG, GMD,...
Nhóm chứng khoán, bảo hiểm và nhất là
dầu khí với ảnh hưởng từ giá dầu thế giới tiếp tục suy giảm, cũng đa
phần giao dịch dưới tham chiếu, nhưng chỉ giảm nhẹ. GAS, PVD, SSI,
BIC... giảm 1, 2 bước giá. Còn PVT, BVH, MBI, HCM... đứng giá tham
chiếu.
VNM dù được thỏa thuận ở mức giá trần, song vẫn kết phiên vẫn ở tham chiếu 129.000 đồng/CP.
Ngược lại, một số mã như VIC, KDC, HSG hay nhóm ngân hàng với VCB, STB, MBB, BID tăng nhẹ, giúp hãm bớt đà giảm của chỉ số.
Lực cầu dè dặt khiến thanh khoản ở các
lớn này khá yếu, trong đó chỉ FPT khớp được hơn 1 triệu đơn vị và giảm
1.000 đồng về 51.500 đồng/CP.
Trong khi nhóm cổ phiếu lớn giao dịch
cầm chừng thì nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ giữ được nhịp tương đối tốt. Điển
hình là FLC khi mã này giữ vững mức trần 7.400 đồng/CP và khớp được
16,25 triệu đơn vị.
Nhóm khoáng sản tiếp tục có được “phong
độ” tốt khi sắc tím nở rộ ở nhiều mã như BGM, DHM, KSA, KSH, LCM. Tương
tự, nhóm ô tô cũng có nhiều mã tăng trần như HAX, HTL, TMT. Trong đó,
DHM khớp hơn 1,2 triệu đơn vị.
Một số mã có thanh khoản tốt khác như
ITA, CII, BHS, HAI, HQC, SHI, VHG. Trong đó CII giảm 900 đồng về 21.500
đồng/CP và khớp 3,3 triệu đơn vị. HQC và HAI đứng giá tham chiếu, còn
lại đều tăng điểm và tất cả đều đạt thanh khoản trên 1 triệu đơn vị.
Trên HNX, sau giai đoạn giằng co, chỉ số
HNX-Index kết phiên có được sắc xanh khi một số mã như VCG, AAA, DBC,
PLC giữ được đà tăng. VCG tăng 800 đồng lên 13.000 đồng/CP và khớp 2,1
triệu đơn vị.
Các mã SHB, SHS, PVC, SCR, PGS, LAS, HUT... về mốc tham chiếu, trong đó SCR khớp hơn 1 triệu đơn vị.
Về phía các mã giảm, NPT chỉ giảm nhẹ 200 đồng về 57.700 đồng/CP. PVB giảm 700 đồng xuống 35.200 đồng/CP.
Nhóm khoáng sản trên HNX cũng đồng loạt tăng trần như ACM, BAM, KHL... Riêng ACM khớp 1,36 triệu đơn vị.
TIG cũng có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị, nhưng kết phiên đứng giá tham chiếu.
Dẫn đầu thanh khoản trên HXN là KLF khi khớp được 4,35 triệu đơn vị, kết phiên tăng 200 đồng lên 4.400 đồng/CP.
Nguyễn Tùng - ĐTCK