Sau khi VN-Index vượt qua mốc 615 điểm
vào thứ Năm tuần trước, thị trường đã có 2 phiên giảm liên tiếp khi các
mã lớn như VNM, FPT, MSN, VIC, GAS chịu sức ép lớn, nhất là VNM và FPT
sau khi đã có chuỗi tăng tốt trước đó.
Tuy nhiên, điểm tích cực là dòng tiền đã
chuyển hướng sang các nhóm khác, nhất là nhóm bất động sản với sự dẫn
dắt của FLC trong phiên đầu tuần, nhờ đó VN-Index vẫn giữ được mốc 610
điểm.
Nhiều nhà đầu tư kỳ vọng sự khởi sắc của
FLC trong phiên giao dịch đầu tuần mới sẽ kích hoạt dòng tiền đầu cơ
chảy mạnh và lan sang các mã khác, qua đó giúp VN-Index trở lại với đà
tăng để hướng tới các mốc điểm cao hơn. Tuy nhiên, trước thông tin không
chính thức về margin đang ở mức cao khiến nhà đầu tư trở nên thận
trọng.
Trong phiên giao dịch sáng nay, sự thận
trọng được thể hiện rất rõ khi các lệnh mua bán chủ yếu mang tính thăm
dò, ngoại trừ FLC khi một số nhà đầu tư không kịp mua phiên hôm qua đang
cố gắng để có được hàng trong phiên sáng nay với hy vọng đợt sóng mới
của cổ phiếu này mới chỉ bắt đầu sau tuyên bố của Chủ tịch HĐQT FLC
Trinh Văn Quyết.
Kết thúc đợt 1,
VN-Index giảm 1,36 điểm (-0,22%), xuống 609,3 điểm. Tổng khối lượng
giao dịch đạt 4,67 triệu đơn vị, giá trị 95,12 tỷ đồng, nhưng chủ yếu là
từ FLC và giao dịch thỏa thuận.
Sang đến đợt khớp lệnh liên tục, diễn
biến của chỉ số không có nhiều thay đổi, khi ở đại đa số các mã có ảnh
hưởng lớn tới chỉ số chỉ giảm nhẹ 1 bước giá. VN-Index sau đó có dấu
hiệu hồi phục khi VNM có được sắc xanh, nhưng đà tăng của VNM không duy
trì được lâu. Trong khi ở các mã khác như nhóm ngân hàng, dầu khí và một
số mã bluechip khác như FPT, HAG, HPG, CII đang giảm mạnh dần, khiến
VN-Index nới rộng đà giảm, mốc 610 điểm cầm cự được trong phiên hôm qua
cũng nhanh chóng bị xuyên thủng ngay đầu phiên hôm nay.
Đà giảm sau đó được nới rộng dần và có
lúc mốc 605 điểm bị thử thách, tuy nhiên sau ngưỡng 610 điểm, đây là
chốt chặn vững chắc của VN-Index. Do đó, ngay khi chạm mốc 605 điểm,
VN-Index đã bật ngược trở lại lên sát tham chiếu và nếu may mắn đã có
được sắc xanh trong phiên sáng nay.
Kết thúc phiên giao dịch sáng,
với 86 mã tăng trong khi có 106 mã giảm, VN-Index giảm 1,66 điểm
(-0,27%), xuống 609 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 71, 3 triệu đơn
vị, giá trị 1.210,94 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp
7,45 triệu đơn vị, giá trị 115,52 tỷ đồng.
Trên HNX, sắc đỏ cũng chiếm thế áp đảo
với 94 mã giảm trong khi chỉ có 56 mã tăng, chốt phiên HNX-Index giảm
0,21 điểm (-0,36%), xuống 81,21 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt
22,12 triệu đơn vị, giá trị 203,59 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa
thuận đóng góp 3,3 triệu đơn vị, giá trị 15 tỷ đồng.
Sau phiên nổi sóng hôm qua được kỳ vọng
sẽ khởi đầu cho chuỗi ngày tăng trần tới đây đã nhanh chóng gặp khó khăn
trong phiên sáng nay.
Như đã nói ở trên, một số nhà đầu tư mua
hụt trong phiên đầu tuần đã có để có được hàng trong phiên sáng nay,
nhưng không đủ lớn để hấp thụ hết lượng dư bán. Dù có lúc đã chạm được
mức trần 7.900 đồng, nhưng do lực bán quá mạnh, nên chủ yếu FLC lình
xình quanh mốc 7.700 đồng và đây cũng là mức giá đóng cửa phiên sáng của
mã này, tăng 4,05%. Thanh khoản của FLC vẫn vượt trội trên sàn HOSE với
17,84 triệu đơn vị được khớp, trong đó đáng chú ý là nhà đầu tư nước
ngoài cũng mua vào, dù lượng mua vào rất khiêm tốn, chỉ 0,34 triệu đơn
vị.
Hai mã bluechip gây chú ý thời gian gần
đây là VNM và FPT được các chuyên gia chứng khoán dự đoán sẽ chịu áp lực
bán mạnh trong tuần này, trong khi một số nhà đầu tư cá nhân có tên
tuổi trên thị trường lại vẫn tin tưởng vào đà tăng của 2 mã nằm trong
danh mục thoái vốn của SCIC này.
Diễn biến trong phiên đầu tuần và nửa
đầu phiên sáng nay cho thấy, nhận định của các chuyên gia chứng khoán
đang đúng khi cả 2 đang chịu áp lực bán, dù không quá mạnh. Trong phiên
đầu tuần cả VNM và FPT đều giảm giá, trong đó VNM giảm 1,55%, trong khi
FPT giảm 1,95%. Trong nửa đầu phiên sáng nay, trong khi VNM cố gắng cầm
cự mốc tham chiếu, thì FPT tiếp tục giảm gần 1%.
Tuy nhiên, về cuối phiên, lực mua đã cải
thiện, giúp VNM và FPT đóng cửa với sắc xanh, trong đó FPT đóng cửa ở
mức cao nhất phiên 52.000 đồng, tăng gần 1%, còn VNM tăng 0,78%, lên
128.000 đồng, dù có lúc đã lấy lại được hết những gì đã mất trong phiên
đầu tuần.
Trong khi đó, nhóm dầu khí, ngân hàng dù
rất nỗ lực, nhưng vẫn chấp nhận đóng cửa trong sắc đỏ và đây chính là
những lực cản khiến VN-Index không thể vượt qua tham chiếu trong phiên
sáng nay.
Ngoài FLC, CII cũng là mã có thanh khoản
tốt trên HOSE. Sau khi bị xả mạnh trong phiên chiều qua, CII đã lấy lại
được sự cân bằng khi mở cửa phiên sáng nay, nhưng lực bán sau đó lại
gia tăng, khiến CII đóng cửa giảm 1,41%, xuống 21.000 đồng với gần 3,1
triệu đơn vị được khớp.
Trên HNX, do không có nhân tố đột biến
như FLC trên HOSE, nên thanh khoản sàn này gần như bị tắc. Chỉ có duy
nhất KLF có tổng khớp trên 1 triệu đơn vị (1,81 triệu đơn vị), chốt
phiên đứng ở tham chiếu 4.500 đồng. Trong khi đó, nhóm khoáng sản vẫn
giữ được sức nóng của mình khi đồng loạt tiếp tục tăng trần với lượng dư
mua khá lớn. Do lượng bán không có, nên giao dịch của nhóm này chỉ sôi
động lúc đầu phiên, sau đó gần như “đóng băng”.
T.Lê - ĐTCK