Theo một cuộc khảo sát của hãng dịch vụ tài chính Fidelity, sau những
biến động mạnh trên phố Wall trong năm 2015, ngày càng nhiều nhà đầu tư
Mỹ phải tìm giải pháp cho những vấn đề tài chính cá nhân. Hai cách chính
được mọi người quan tâm là "tiết kiệm nhiều hơn" và "chi tiêu ít hơn".
Nhưng rõ ràng là nói dễ hơn làm.
Neil Krishnaswamy - chuyên gia tài chính tại Exencial Wealth Advisors
khuyên rằng: "Hãy cho mình một cơ hội để thành công bằng cách đặt ra
những mục tiêu cụ thể, có ý nghĩa, có thể thực hiện được và thời hạn
hoàn thành cho từng mục tiêu đó".
Theo CNN, dưới đây là một số giải pháp tài chính cá nhân các chuyên gia đề xuất để giúp bạn quản lý tài chính tốt hơn.
1. Thanh toán hết các khoản nợ
Với việc FED dự định tăng lãi suất cơ bản thêm 0,25% năm 2016, đây hứa
hẹn sẽ là một năm giảm các khoản vay tiêu dùng. Nhiều mức lãi suất thẻ
tín dụng sẽ tăng lên. Vì thế, để cắt giảm khoản phí này, mọi người sẽ
hạn chế thanh toán bằng thẻ tín dụng hơn, Christopher Krell - chuyên gia
tài chính tại Cassaday & Company nhận định.
Krell cũng cho rằng, nếu bạn đang có nhiều khoản nợ phải thanh toán,
bạn nên ưu tiên trả các khoản nợ có lãi suất cao trước, rồi đến các
khoản lãi suất thấp hơn.
2. Tạo quỹ dự phòng khẩn cấp
Đề việc "tiết kiệm nhiều hơn" đạt hiệu quả, bạn cũng nên tạo một quỹ dự
phòng khẩn cấp để chi trả trong những trường hợp như khi không may thất
nghiệp, đau ốm hay cần sửa chữa nhà cửa.
Các chuyên gia cũng khuyên rằng bạn nên dành dụm từ 3 đến 6 tháng chi
tiêu cho một quỹ khẩn cấp. Dù vậy, Stuart Ritter - Phó chủ tịch T. Rowe
Price Investment Services cho rằng, việc dành bao nhiêu tiền cho quỹ dự
phòng này phụ thuộc vào hoàn cảnh cụ thể của mỗi người. Nếu bạn còn độc
thân hoặc làm một công việc có mức độ rủi ro cao, bạn nên dành ra 6
tháng. Còn nếu bạn đang ở trong một gia đình mà nhiều thành viên trong
nhà đều có thu nhập, quỹ này có thể chỉ cần 3 hoặc 4 tháng chi tiêu.
3. Tăng tiết kiệm cho thời gian về hưu
Hầu hết các chuyên gia đều khuyên rằng mỗi người nên dành ra khoảng 10%
thu nhập cho quỹ hưu trí. Tuy nhiên, nếu không thể dành cho quỹ này
khoản tiền đó, bạn cũng đừng lo lắng vì bạn không cần thiết phải tiết
kiệm toàn bộ cùng một lúc. Kimberly Foss - nhà sáng lập Empyrion Wealth
Management cho rằng: "Cứ 3 tháng một lần, hãy tăng thêm khoản tiết kiệm
hưu trí của bạn lên từ 1 đến 2%".
4. Đánh giá lại chiến lược đầu tư
Bắt đầu năm mới bằng việc kiểm đếm tài sản đầu tư và đảm bảo chúng đang
theo đúng định hướng của mình là điều rất nên làm. Hãy chắc chắn bạn
nắm rõ mình đang đầu tư vào cái gì và xem xét lại ít nhất một lần mỗi
năm để đảm bảo mình không lạc hậu.
Krell cho biết anh từng tư vấn cho một cặp vợ chồng. Họ nghĩ rằng mình
đang đa dạng hóa đầu tư, cho đến khi nhận ra các quỹ họ đổ tiền vào đều
chọn số cổ phiếu như nhau.
5. Xem lại phạm vi bảo hiểm nhân thọ
Nếu như năm 2015 vừa qua là khoảng thời gian mà cuộc sống của bạn có
những biến động lớn như việc bạn quyết định kết hôn, ly hôn hoặc sinh
con thì đây chính là khoảng thời gian lý tưởng để bạn nghĩ đến việc mua
bảo hiểm.
Khoản tiền dành cho bảo hiểm nhân thọ cần phải tăng lên khi có thêm
người phụ thuộc vào đồng lương của bạn. Cùng với đó, bạn cũng cần xem
xét những người thụ hưởng trong hợp đồng và kế hoạch hưu trí của mình.
Những điều này gần như sẽ thay đổi theo tình trạng hôn nhân của bạn.
(Vnexpress)