Kể từ hôm nay 31/12/2015, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) mà Việt Nam là thành viên sẽ chính thức đi vào hoạt động. Hãy nghe những nhận định của vị CEO người Singapore nói thông thạo tiếng Việt về cơ hội và thách thức của doanh nghiệp Việt Nam trước thềm AEC.
Ông Phua Koon Kee là một CEO người Singapore đã sống và làm việc ở Việt Nam từ năm 1992.
Ông hiện đang giữ vai trò CEO của Kova
Trading (thuộc Tập đoàn Sơn Kova). Bên cạnh đó, ông là CEO và nhà sáng
lập Công ty truyền thông Aquarius Việt Nam - đại diện của kênh Channel
News Asia tại Việt Nam.
Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình thâm nhập thị trường khó tính nhất AEC là Singapore?
Kova là một trường hợp khá đặc biệt, có
thể ở Việt Nam chúng tôi chưa được số đông người tiêu dùng biết đến
nhưng ở các nước trong khu vực đặc biệt là Singapore Kova là một thương
hiệu rất thành công.
Câu chuyện bắt đầu từ các đây khoảng 8
năm với dự án trung tâm thương mại Vivo City ở khu vực đảo Sentosa tại
Singapore. Dự án này có kiến trúc cong nên rất khó cho việc sơn phủ về
mặt, nằm gần xa lộ dễ bị bám bụi và do ở gần biển nên lượng muối trong
không khí rất cao, sơn dễ bong tróc.
Lúc ban đầu, nhà thầu xây dựng Vico City
sử dụng một loại sơn cao cấp của Đức nhưng không thành công vì chỉ vài
tháng là bị tróc. Nhiều hãng sơn nổi tiếng khác được mời cung cấp sơn
cũng từ chối vì không thể khắc phục được. Sau đó tình cờ cô Hòe (PGS.TS
Nguyễn Thị Hòe – Chủ tịch sơn Kova) đến tham quan và đã cam kết sẽ làm
được.
Tuy nhiên lúc đó đồng bào của tôi là
người Singapore thực sự cũng hơi xúc phạm người Việt vì họ cho rằng Việt
Nam chỉ có thể bán hạt điều, bán cà phê chứ không thể làm được sản phẩm
công nghệ cao nên họ yêu cầu Kova phải cam kết bảo hành trong 1 năm.
Đến nay đã 8 năm rồi dự án này vẫn chưa
cần phải bảo hành. Sau dự án này, một số dự án lớn khác mà sơn Kova thực
hiện tại Singapore là các tuyến tàu điện ngầm và bệnh viện 5 sao với
vốn đầu tư gần 1 tỉ USD của tỉ phú Singapore.
Theo ông, bí quyết nào để doanh nghiệp Việt cạnh tranh thành công ở thị trường Singapore và các thị trường khó tính khác?
Bí quyết thành công theo tôi là sử dụng
nguyên liệu tốt nhất và kết hợp với khoa học để tạo ra sản phẩm chất
lượng cao. Khác với các doanh nghiệp nội của Việt Nam thường chọn các
thị trường dễ tính như Campuchia hay Lào, Myanma khi phát triển ra nước
ngoài, chiến lược của chúng tôi là chinh phục các thị trường khó tính.
Singapore là một thị trường khó tính
nhưng chúng tôi vẫn mạnh dạn tấn công thị trường này có 2 lý do: vì sản
phẩm của chúng tôi hướng đến phân khúc cao cấp và đây là thị trường mà
ít doanh nghiệp Việt Nam vào được, thành công ở thị trường này cũng là
chiến lược marketing mà không cần phải tốn nhiều chi phí.
Ví dụ như ở Singapore có những tiêu
chuẩn về môi trường cao hơn cả các thị trường khác và khi chinh phục
được thị trường này thì doanh nghiệp sẽ có kinh nghiệm tiến sang thị
trường Hoa Kỳ, EU đồng thời tạo sự tin tưởng cho đối tác. Hiện nay Kova
cũng bắt đầu tiến ra thế giới với việc xuất khẩu sang EU, Trung Đông,
Hoa Kỳ.
Bên cạnh đó, mỗi một thị trường sẽ có
văn hóa kinh doanh khác nhau, như thị trường sơn ở Việt Nam là do các
nhà phân phối và nhà thầu xây dựng chi phối nhưng ở các nước như
Singapore, EU, Mỹ thì có các đại siêu thị chuyên ngành về xây dựng và
trang trí nội thất, khách hàng sẽ là người quyết định chọn sản phẩm nào.
Do đó các doanh nghiệp Việt Nam trước
khi phát triển sang thị trường nào cũng cần có quá trình nghiên cứu phát
triển mới có thể cạnh tranh thành công.
Ông có thể cho biết điểm yếu của các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Singapore là gì?
Singapore là một thị trường hơi đặc thù,
có những công ty rất lớn ở quy mô toàn cầu với số vốn hàng trăm tỉ USD
vì chúng tôi có một quỹ đầu tư nhà nước là Temasek chuyên đầu tư vào các
công ty này.
Nhưng bên cạnh đó, thị trường Singapore
hầu như không có doanh nghiệp cỡ vừa (vốn khoảng vài chục triệu USD) mà
đa số là doanh nghiệp rất nhỏ thậm chí rất bé (vốn nhỏ hơn 1 triệu USD).
Theo tôi đây là điểm yếu của doanh
nghiệp Singapore khi các doanh nghiệp lớn đã sẵn sàng cho AEC trong khi
doanh nghiệp nhỏ thì chưa được chuẩn bị nhiều.
Bên cạnh đó, văn hóa kinh doanh của
doanh nghiệp Singapore giống như Âu Mỹ nhiều hơn là châu Á, chủ yếu cạnh
tranh về giá cả, chất lượng chứ không dựa vào quan hệ làm ăn truyền
thống.
Ngay cả công ty của cha cũng sẽ không
mua hàng của con nếu giá không tốt. Ngoài ra, doanh nghiệp Singapore
cũng có xu hướng đi theo sự hướng dẫn của Chính phủ, vào các khu công
nghiệp do Chính phủ Singapore đầu tư như VSIP nhiều hơn là tự “mạo
hiểm” mở một thị trường mới.
Theo ông đâu là cơ hội lớn nhất cho doanh nghiệp Việt Nam khi gia nhập AEC?
AEC có nhiều thách thức nhưng cũng là cơ
hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng nguồn lực từ các nước trong
khối như nguồn nguyên liệu của Lào, Campuchia, nhân lực của Singapore,
Philippines và công nghệ của Thái Lan, Malaysia để cạnh tranh với các
đối thủ mạnh hơn từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, Châu Âu…
Đồng thời, AEC là thị trường của các
nước có quy mô và tốc độ phát triển gần như tương đồng nên rất dễ để các
doanh nghiệp trong khối hợp tác, giúp đỡ nhau cùng phát triển.
(Tri Thức Trẻ)