Kiến thức chứng khoán - Kinh nghiệm đầu tư chứng khoán

Thứ Ba, 5 tháng 1, 2016

Bảo lãnh phát hành cổ phiếu sẽ “sống lại” vào 2016?

Được đánh giá là nghiệp vụ quan trọng, giúp các doanh nghiệp niêm yết huy động và phân phối vốn một cách hiệu quả, từ đó góp phần khơi thông dòng vốn trên TTCK, nhưng thực tế cho thấy, nghiệp vụ bảo lãnh phát hành ngày càng “mất hút” trên thị trường. Các “ông lớn” như SSI, HSC… cũng kém mặn mà với nghiệp vụ này, vì sao?
http://www.blogchungkhoan.com/2015/09/mo-tai-khoan-tu-van-au-tu-chung-khoan.html#.Vos4BE-fesV

“Né” bảo lãnh phát hành vì cơ chế

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, ông Tống Minh Tuấn, Trưởng phòng Tư vấn đầu tư CTCK VCBS cho biết, bảo lãnh phát hành là một nghiệp vụ quan trọng trên TTCK, là “bà đỡ” cho việc huy động vốn của các doanh nghiệp, từ đó giúp TTCK thực hiện được chức năng cơ bản đầu tiên là dẫn vốn cho nền kinh tế. Đồng thời, nghiệp vụ bảo lãnh phát hành còn góp phần phân bổ nguồn vốn từ lĩnh vực kém hiệu quả sang lĩnh vực hiệu quả hơn. 

Tuy nhiên, trên thực tế, nghiệp vụ này gần như “mất hút”, rất ít CTCK duy trì nghiệp vụ bảo lãnh phát hành và nếu có cũng chủ yếu bảo lãnh phát hành cho những đối tác quen thuộc, khả năng phát hành thành công cao. Trong số các CTCK đang hoạt động, chỉ còn một vài cái tên như VCBS, BSC, VPBS còn ghi nhận doanh thu từ hoạt động này. 

Ngay cả với những CTCK lớn, với lượng khách hàng đông đảo như SSI, HSC,… cũng gần như không còn mặn mà với các hoạt động bảo lãnh phát hành cổ phiếu, cho dù trong thời gian vừa qua, rất nhiều doanh nghiệp niêm yết có tiềm năng đánh tiếng sẽ tiến hành chào bán ra công chúng hoặc phát hành thêm cổ phiếu để huy động vốn.

Lý giải cho sự “mất hút” này, ông Tào Minh Dương, Giám đốc Dịch vụ M&A, CTCK IB (VIX) cho biết, thực tế, CTCK nào cũng muốn phát triển nghiệp vụ bảo lãnh phát hành, bởi nó vốn dĩ là nghiệp vụ mang lại nhiều lợi ích nhất cho các CTCK, đồng thời cũng là nghiệp vụ thể hiện được uy tín và thương hiệu của một CTCK hiện đại. Tuy nhiên, cơ chế thực hiện bảo lãnh phát hành như hiện nay thường khiến các CTCK không kiểm soát được rủi ro khi cam kết bảo lãnh. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến hoạt động bảo lãnh phát hành chưa thể phát triển.

Hiện nay, việc phát hành cổ phiếu ra công chúng phần lớn thực hiện theo hình thức phân phối cho cổ đông hiện hữu theo hình thức thực hiện quyền, người mua cổ phần là các cổ đông tại ngày chốt quyền, số lượng cổ phần phát hành và giá (trong rất nhiều trường hợp) đã được ấn định bởi Đại hội đồng cổ đông. Điều này có thể hiểu là, đến ngày phát hành họ mới đánh giá được phần nào nhu cầu mua thêm cổ phiếu của các cổ đông, bởi lẽ danh sách cổ đông liên tục biến động.

Khi đó, nhà bảo lãnh sẽ khó nắm bắt được nhu cầu mua thực sự là bao nhiêu để có thể cam kết bảo lãnh toàn bộ hay một phần hoặc không bảo lãnh. Việc không kiểm soát được rủi ro này là nguyên nhân chính hạn chế CTCK thực hiện nghiệp vụ bảo lãnh phát hành chứng khoán. 

 “Quy định hiện tại là nhà bảo lãnh phải ký cam kết bảo lãnh, trong đó có nêu về giá và số lượng chứng khoán bảo lãnh để nộp vào hồ sơ xin phát hành cổ phiếu, rồi chờ UBCKNN duyệt. Kể từ lúc nộp hồ sơ đến khi được duyệt, cho đến lúc phát hành là cả một quãng thời gian dài đến 2, 3 tháng thì rủi ro cho nhà bảo lãnh là quá lớn khi không thể kiểm soát được mức độ biến động của giá cổ phiếu. Nếu giá tăng, bắt buộc mua lại giá thấp thì chả sao, nhưng khi giá giảm sâu còn 1/3 hay 1/4 giá trị, mà CTCK phải mua lại với giá cao (theo cam kết) thì quả thực quá nguy hiểm cho CTCK đó, dù có vốn mạnh đến mấy”, ông Dương nói. 

Nên gỡ theo hướng nào?

Đề xuất các giải pháp cho hoạt động bảo lãnh phát hành chứng khoán, có khá nhiều nội dung được các thành viên thị trường đưa ra, nhưng tập trung vào một số nội dung chính.

Trước hết, cần phải sớm nhận thức rõ ràng vai trò của hoạt động bảo lãnh trong việc phát hành. Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam, trên thực tế, sự tiếp cận thông tin chính xác của nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ trên thị trường là rất yếu và thiếu. UBCKNN đã quyết liệt với vấn đề này bằng việc ban hành Thông tư 162/2015/TT-BTC. 

Trong đó quy định, doanh nghiệp phải công bố rõ ràng mục đích các đợt phát hành, bao gồm cả báo cáo tình hình sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán gần nhất được công ty kiểm toán xác nhận để các cổ đông nắm thông tin và đưa ra biểu quyết. 

Tuy nhiên, trong trường hợp ban lãnh đạo các doanh nghiệp niêm yết nắm quyền chi phối và biểu quyết thì quyết định vẫn thuộc về họ. Do đó, việc cung cấp thêm một vài thông tin để đợt phát hành diễn ra thuận lợi theo ý của họ là không quá khó khăn.

Khi nhà bảo lãnh tham gia và ràng buộc trách nhiệm vào các đợt phát hành, vấn đề của họ không chỉ cam kết mua lại bao nhiêu, với giá nào, mà đầu tiên họ sẽ phải kiểm định khả năng thành công của đợt phát hành. Điều này có nghĩa là chính họ phải phân tích, sàng lọc về khả năng tài chính trong thời điểm hiện tại của doanh nghiệp liệu có đủ điều kiện và triển vọng để phát hành hay không. Khi đó, nhà đầu tư sẽ yên tâm hơn khi mua cổ phiếu phát hành thêm mà không cần phải quan tâm nhiều đến các yếu tố khác.

Tuy nhiên, cũng cần phải hiểu, để việc thúc đẩy hoạt động bảo lãnh đạt được hiệu quả như mong muốn, cần phải thay đổi cả cơ chế hoạt động cho nhà bảo lãnh. Với cách quy định như hiện tại, có thể hiểu, tại thời điểm đánh giá, căn cứ để cam kết bảo lãnh (toàn bộ, một phần hay không bảo lãnh), nhà bảo lãnh chỉ dựa trên ước đoán, mô phỏng, hoặc đôi khi do đánh giá chủ quan đối với khả năng phân phối cổ phiếu. 

Về phía cơ quan quản lý, cần sớm nghiên cứu và xem xét đưa ra hành lang pháp lý cho các phương thức phát hành mới, ví dụ như phương thức dựng sổ (book building) mà nhiều thị trường phát triển đang áp dụng. 

Cụ thể, theo phương thức này, ngay khi có yêu cầu về bảo lãnh phát hành cho một doanh nghiệp nào đó, nhà bảo lãnh có thể đề nghị nhà đầu tư trong danh sách cổ đông hiện hành đăng ký số cổ phiếu có thể mua hoặc muốn mua (có thể hủy trước ngày phát hành 1 ngày), từ đó họ sẽ đưa ra tư vấn với chính đơn vị phát hành cùng với cam kết bảo lãnh phát hành. 

Như vậy, sai số ước tính trong các báo cáo để đưa ra đánh giá chính xác tính khả thi của một thương vụ phát hành sẽ giảm đi rất nhiều, giúp hạn chế việc phân phối cổ phiếu phát hành thêm thiếu kiểm soát như hiện nay, đồng thời đảm bảo tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp phát hành.
Trang Ninh - ĐTCK
 
Share:

Trang

Nổi bật

Giới siêu giàu kiếm tiền từ đâu?