Nếu là nhà đầu tư cổ phiếu, chắc
hẳn bạn không xa lạ gì với Warren Buffett, huyền thoại đầu tư, được xem
là nhà đầu tư thành công nhất mọi thời đại với khả năng tìm ra những
công ty giá trị và sau đó đầu tư vào chúng để thu về những nguồn lợi
khổng lồ.
Trong quyển sách về phân tích báo cáo
tài chính dưới góc nhìn của Warren Buffett, David Clark và Mary Buffett
(con dâu của Warren Buffett) đã phân tích những thói quen đầu tư cũng
như những chia sẻ hiếm khi được tiết lộ của vị tỷ phú này với công chúng
nhằm đưa ra 4 điểm lưu ý giúp nhà đầu tư tìm ra “vàng ròng” – những
công ty có giá trị tiềm năng – từ báo cáo tài chính thường niên mà không
bắt buộc phải là một chuyên gia phân tích tài chính.
1. Công ty đó kinh doanh thứ gì?
Trước khi đi chi tiết vào 4 phần của một
báo cáo tài chính, gồm: báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, báo cáo
lưu chuyển tiền tệ, bảng cân đối kế toán và bảng thuyết minh báo cáo tài
chính, bạn hãy xác định mặt hàng mà công ty đó đang sản xuất.
Coca-Cola, quyết định đầu tư thành công
bậc nhất của Warren Buffett (năm 1988, Warren bắt đầu mua một lượng lớn
cổ phiếu của Coca-Cola, và chỉ 3 năm sau đó, số cổ phiếu của hãng nước
uống này khiến khối tài sản ông tăng lên từ 1,02 tỷ USD thành 3,75 tỷ
USD), suốt 130 năm qua chỉ bán duy nhất một loại sản phẩm, và cũng không
cho thấy sẽ bán một sản phẩm nào khác trong 130 năm tiếp theo.
Nếu một công ty chỉ tập trung cho một
sản phẩm, thì công ty đó sẽ không phải chi hàng triệu USD cho việc
nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới, cũng như hàng tỷ USD để trang bị
cho nhà xưởng, hướng dẫn quy trình mới và đào tạo nhân viên.
Suy luận đơn giản, công ty đó sẽ không
phải mắc nợ nhiều, không phải trả tiền lãi mà có thể dành tiền đó mở
rộng sản xuất, chi cho các chiến dịch marketing, nâng cao chất lượng,
huấn luyện và tăng cao chất lượng đội ngũ nhân viên và hiển nhiên, đó là
một công ty giá trị.
2. Tỷ lệ giữa chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp và lợi nhuận gộp
Trong báo cáo kết quả hoạt động kinh
doanh, mục chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp là nơi công ty ghi
nhận chi phí bán hàng trực tiếp, gián tiếp và tất cả các chi phí quản lý
phát sinh suốt kỳ kế toán. Khi phân tích, Warren nhận thấy rằng chi phí
này ảnh hưởng rất lớn đến kết quả kinh doanh cuối cùng của công ty, tỷ
lệ của chi phí này so với lợi nhuận gộp dao động rất mạnh theo từng
doanh nghiệp.
Các công ty không có lợi thế cạnh tranh
bền vững phải chịu sự cạnh tranh khắc nghiệt và cho thấy sự dao động rất
lớn trong tỷ lệ chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp so với
lợi nhuận gộp. Nếu tỷ lệ này được Coca-Cola luôn giữ ở mức bình quân
59%, thì có những thời điểm, con số này của General Motors dao động từ
28 – 83%, điều này phần nào lý giải độ khốc liệt của thị trường xe hơi ở
Mỹ.
3. Chi phí nghiên cứu, phát triển sản phẩm
Đây là một vấn đề lớn trong trò chơi
nhận diện các công ty có lợi thế cạnh tranh bền vững. Với Warren, nếu
lợi thế cạnh tranh đến từ bằng sáng chế, thì đến một thời điểm nào đó
bằng sáng chế hết hạn và lợi thế sẽ sớm biến mất. Còn nếu lợi thế cạnh
tranh là kết quả của tiến bộ kỹ thuật, thì với tốc độ phát triển hiện
nay của thế giới, không sớm thì muộn lợi thế đó cũng lỗi thời.
Khi phân tích báo cáo tài chính, Warren
không thích những công ty thường xuyên chi những khoản tiền lớn cho việc
nghiên cứu, vì điều đó nói lên một phần sản phẩm của công ty này thiếu
lợi thế cạnh tranh; khi một sản phẩm mới xuất hiện, chi phí lập và thiết
kế quy trình bán hàng cho sản phẩm mới đó sẽ phải tăng lên.
Intel luôn phải chi khoảng 30% lợi nhuận
gộp cho chi phí nghiên cứu và phát triển, con số này ở Merch & Co
là 29%, rồi còn 49% cho chi phí bán hàng và quản lý, chưa kể đến hàng
trăm dự án, bằng sáng chế phá sản đã tiêu tốn không biết bao nhiêu là
tiền mặt của các cổ đông.
Trong danh mục đầu tư của Warren, dễ
thấy những công ty như Coca-Cola, chi 59% lợi nhuận gộp cho quảng cáo,
Moody’s chi 25% lợi nhuận gộp cho bán hàng và quản lý doanh nghiệp. Rõ
ràng với một danh mục những công ty có cách chi tiêu như vậy, Warren
không phải lo ngại rằng một ngày nào đó, bằng sáng chế hết hạn hay công
nghệ của công ty mình đầu tư trở nên lỗi thời.
4. Cổ phiếu quỹ
Cổ phiếu quỹ không có quyền biểu quyết,
không được ghi nhận là cổ tức và dù người ta có thể cho rằng đây là một
tài sản thì chúng vẫn bị ghi nhận trên bảng cân đối kế toán với giá trị
âm vì đại diện cho một sự sụt giảm trong vốn chủ sở hữu.
Khi phân tích, Warren nhận thấy các công
ty có lợi thế cạnh tranh bền vững nhờ có tình hình tài chính tuyệt vời
có xu hướng dùng tiền mặt nhàn rỗi để mua cổ phiếu quỹ. Nói cách khác,
các công ty có lợi thế cạnh tranh bền vững luôn tồn tại cổ phiếu quỹ
trên bảng cân đối kế toán của chúng.
(DNSG)