Kiến thức chứng khoán - Kinh nghiệm đầu tư chứng khoán

Thứ Ba, 3 tháng 9, 2013

Lịch sử ngành ngân hàng thế giới (P5): Ngân hàng quốc gia, Tiền giấy và Gia tộc Rothschild

Lịch sử ngân hàng của thế giới có điểm thú vị là các hệ thống ngân hàng quyền lực nhất luôn thuộc về dòng họ hoặc một nhóm người có chung tôn giáo, nguồn gốc địa lý.

Ngân hàng quốc gia: Thế kỷ 17 và 18

Venice, sau khi là thành phố đầu tiên lập ngân hàng cho việc giữ tiền và thanh toán bù trừ séc, cũng đi tiên phong trong việc cho phép một ngân hàng can dự vào tài chính chính phủ. Năm 1617, Banco Giro được thành lập để giải quyết các vấn đề mà Banco della Piazza di Rialto để lại sau khi thực hiện những khoản cho vay không đảm bảo.

Con nợ của ngân hàng chính là nhà nước Venice. Banco Giro ra đời trên nguyên tắc những chủ nợ của chính phủ chấp nhận nợ được thanh toán dưới dạng tín dụng với ngân hàng mới. Để giải quyết một vấn đề trước mắt, những cơ hội mới được tạo ra. Venice đã có một cơ chế tạo nguồn quỹ tài chính công trên cơ sở các khoản tín dụng được đảm bảo.

Mở rộng khái niệm này theo lô-gic đưa tới khái niệm ngân hàng quốc gia, được thành lập dưới dạng các liên kết với chính phủ.

Ngân hàng quốc gia đầu tiên ra đời là Ngân hàng Thụy Điển (Bank of Sweden), thành lập năm 1668. Cho tới nay ngân hàng này vẫn hoạt động và thường được nhắc tới với tư cách tổ chức xét và trao Giải thưởng Khoa học Kinh tế Tưởng nhớ Alfred Nobel.

Cũng rất lâu đời và giữ vai trò quant trọng trong lịch sử ngân hàng thế giới là Ngân hàng Anh (Bank of England) được thành lập năm 1694, ban đầu là một công ty cổ phần, với thương vụ đầu tiên là thu xếp khoản nợ 1,2 triệu bảng được vua nước Anh Willam sử dụng trong cuộc chiến với Louis XIV của Pháp (Ellen Hodgson Brown, 2008. Web of Debt).

Trong suốt thế kỷ 18, Ngân hàng Anh lần lượt thực hiện các công việc mà ngày nay được xếp vào nhóm chức năng hoạt động của ngân hàng trung ương. Ngân hàng này tổ chức việc bán trái phiếu chính phủ khi cần huy động nguồn tài chính. Nó cũng giữ vai trò ngân hàng thanh toán bù trừ cho các bộ và cơ quan chính phủ, hỗ trợ và xử lý các giao dịch thường nhật của các tổ chức này.

Ngân hàng Anh cũng trở thành ngân hàng của các ngân hàng khác tại London, và thông qua những ngân hàng này tiếp cận cộng đồng ngân hàng quốc tế. Các ngân hàng London trong nửa cuối thế kỷ 18 hoạt động như đại diện tại kinh đô tài chính của rất nhiều ngân hàng tư nhân qui mô nhỏ.

Toàn bộ các ngân hàng này đều sử dụng Ngân hàng Anh như nguồn tín dụng mỗi khi gặp sự cố. Để đảm bảo chức năng này, ngân hàng quốc gia cần một lượng vàng dự trữ rất lớn với toàn bộ lượng vàng của quốc gia được bảo quản cẩn mật trong các hầm chứa.

Tiền giấy: 1661-1821

Tiền giấy xuất hiện lần đầu tiên tại châu Âu vào thế kỷ 17 tại Thụy Điển, vài năm trước khi ngân hàng quốc gia đầu tiên ra đời. Năm 1656, Johan Palmstruch lập Stockholm Banco. Dù đây là ngân hàng tư nhân nhưng có mối liên hệ rất mật thiết với nhà nước. Một nửa lợi nhuận của ngân hàng này là khoản phải trả cho Bộ tài chính của Hoàng gia Thụy Điển. Năm 1661, sau khi thảo luận cùng chính phủ Thụy Điển, Palmstruch nhận được quyền phát hành giấy tín dụng có thể trao đổi. Khi đưa giấy này tới ngân hàng của Palmstruch, một số lượng tiền xu đúc bằng bạc đã được định trước sẽ được trao cho người xuất trình.

Giấy bạc Palmstruch được thiết kế rất ấn tượng. In trên mặt giấy là 8 chữ ký. Nếu đạt đủ lòng tin của dân chúng, đó sẽ là loại tiền tệ lý tưởng. Giấy bạc này có thể được sử dụng để mua hàng hóa trong chợ nếu từng người nắm giữ nó cùng có chung niềm tin rằng sẽ đổi được môt lượng tiền đúc thực sự khi cầm giấy đến ngân hàng.

Nhưng tai họa đã xảy ra. Palmstruch phát hành nhiều tiền giấy hơn số bạc có thể đổi cho khách hàng. Đến năm 1667 Palmstruch bị thất sủng, và đối diện với án tử hình, sau đó được giảm nhẹ xuống phạt tù, do gian lận.

Phải tới nửa thế kỷ sau, mới có một ngân hàng nữa ở châu Âu phát hành tiền giấy. John Law, người sáng lập Banque Générale tại Paris vào năm 1716, thực hiện phát hành tiền giấy vào tháng 1 năm 1719. Niềm tin của công chúng với đồng tiền này đã bị sụt giảm nghiêm trọng một năm sau đó. Tháng 5 năm 1720, chính phủ Pháp thông qua một sắc lệnh giảm một nửa giá trị của đồng tiền giấy này.

Với các hoạt động thương mại ngày càng phát triển trong thế kỷ 18, nhiều thử nghiệm tiếp tục được thực hiện với tiền giấy của ngân hàng. Tất cả đều dẫn tới một nhận thức rõ ràng về nhu cầu mở rộng cung tiền tệ dựa trên khả năng sẵn có các kim loại quý.

Sau khi các ngân hàng quốc gia ra đời, công chúng dần có niềm tin hơn vào các loại tiền giấy do những ngân hàng này phát hành và được đảm bảo bằng lượng tài sản dự trữ của chính phủ. Trong bối cảnh đó, thậm chí, một chính phủ còn có thể ban hành lệnh cấm tạm thời với việc thực hiện quyền đổi tiền giấy ra bạc. Qui định này đã được áp dụng thành công tại Anh trong suốt thời gian chiến tranh với Napoleon, từ 1797 đến 1821.

Với đồng tiền giấy do các chính phủ phát hành, mối nguy hiểm cố hữu chuyển từ khả năng phá sản sang lạm phát. Sau khi kết thúc cuộc chiến với Napoleon, chính quyền Anh bắt đầu sử dụng chế độ bản vị vàng để phòng ngừa nguy cơ này.

Đế chế Rothschild: Từ cuối thế kỷ 18

William IX, lãnh chúa cai quản vùng Hesse-Kappel của Đức và ông chủ của khối tài sản khổng lồ có nhiều năm quan hệ khăng khít với Mayer Amschel Rothschild, một nhà ngân hàng Do Thái và là nhà buôn ở Frankfurt. William đánh giá rất cao những lời khuyên của Rothschild trong lĩnh vực tài chính. Hai người cũng chia sẻ niềm đam mê sưu tầm các tác phẩm nghệ thuật.

Vào năm 1801, William chính thức bổ nhiệm Rothschild làm người đại diện cho vương triều của mình và khuyến khích Rothschild sử dụng các kỹ thuật tài chính của mình hỗ trợ các hoàng gia châu Âu trong những năm Napoleon liên tục khuấy đảo lục địa châu Âu.

Rothschild không bỏ lỡ cơ hội này. Năm 1803, nhà Rothschild đã cung cấp khoản vay 20 triệu francs cho chính phủ Đan Mạch. Khoản vay dành cho Đan Mạch khởi đầu cho nhiều giao dịch của các chính phủ châu Âu với gia tộc Rothschild. Chỉ trong một thời gian ngắn, dòng họ Rothschild đã trở thành hệ thống ngân hàng quyền lực nhất châu Âu, thậm chí còn có uy thế vượt cả các đại gia tộc nổi danh từ trước như Medici và Fugger.

Hệ thống ngân hàng của nhà Rothschild nhanh chóng hiện diện tại các trung tâm giao thương quan trọng nhất châu Âu. Mayer Amschel có năm người con trai. Ông giữ người con cả, Anselm Mayer, ở bên cạnh để tiếp quản công việc của ngân hàng tại Frankfurt. Bốn người con còn lại chia nhau mở các chi nhánh. Solomon đến thành Viên. Nathay Mayer vượt biển sang London. Kalk phát triển tại Naples. Jacob phụ trách vùng Paris.

Gia tộc Rothschild đã đặt cược rất lớn vào thất bại của Napoleon. Mặc dù Jacob được Napoleon cho phép hoạt động tại Paris và có tham gia lo nguồn tài chính cho các hoạt động chiến tranh của Napoleon, tất cả các quốc gia đối đầu với Napoleon đều nhận được những khoản vay từ nhà Rothschild. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên nếu chúng ta đã tìm hiểu về cách thức kinh doanh và kiếm lợi nhuận từ chiến tranh của gia tộc này.

Bằng việc tài trợ cho cả hai bên tham gia cuộc chiến, nhà Rothschild luôn nhận được phần chia của người chiến thắng và là chủ nợ của kẻ chiến bại. Bằng hệ thống liên lạc được xây dựng từ trước chiến tranh, quan hệ với các thế lực cầm quyền, tiền và tài sản vẫn được chuyển qua lại giữa các chi nhánh của ngân hàng Rothschild ngay trong thời kỳ chiến tranh. Một trong vô số trường hợp lẫy lừng là việc Nathan chuyển một lượng tiền rất lớn cho chính phủ Anh tới Bồ Đào Nha (phải đi qua nước Pháp) để trang trải cho đội quân của Anh đang chiến đấu tại đây.

Khi chiến tranh kết thúc, danh tiếng của gia tộc Rothschild vang dội khắp châu Âu. Hệ quả của điều này là những quan hệ giao dịch tài chính khăng khít với chính phủ của nhiều quốc gia. Tiếng tăm này cũng giúp dòng họ Rothschild phát triển gia tài ngày một nhanh hơn. Cùng với sức mạnh tài chính hiển hiện, uy tín nhà Rothschild với các vương triều cũng rất cao, và đặc biệt, họ luôn có được những thông tin nhanh nhất và chuẩn ác nhất.

Khi đội quân của Napoleon tràn vào vùng Hesse-Kassel sau chiến thắng tại Jena năm 1806, người bảo trợ của Mayer Amschel Rothschild là William phải bỏ trốn và giao lại toàn bộ của cải cho nhà Rothschild. Trị giá lượng tài sản này vào khoảng nửa triệu bảng (tiền thời bấy giờ). Bất chấp nỗ lực của những người đại diện cho Napoleon trong việc yêu cầu Rothschild chuyển giao lượng tài sản này cho Hoàng đế mới thắng trận, nhà Rothschild vẫn giữ nguyên vẹn và chuyển lại toàn bộ số của cải trên, cùng tiền lãi cho người chủ thực sự vào năm 1815.

Nhờ có thông tin chính xác, ngày 20 tháng 6 năm 1815, Nathan Mayer Rothschild biết được chiến thắng của Công tước Wellington trong trận chiến lịch sử với Napoleon tại Waterloo hai ngày trước khi thắng lợi được quyết định thực sự trên chiến trường. Trước đó, tài năng quân sự của Wellington luôn bị nghi ngờ. Với thông tin quý báu này, dòng họ Rothschild đã giành thắng lợi tuyệt đối và vô cùng to lớn trên thị trường tài chính nước Anh. Chính phủ Anh nhận được tin thắng trận vào buổi chiều ngày chiến thắng. Trong khi đó, hệ thống truyền thông của nhà Rothschild, rất nổi tiếng với việc sử dụng chim bồ câu đưa tin, đã nhận được tin sớm hơn rất nhiều với những người truyền tin đợi sẵn ở hải cảng Ostend để chuyển đi những thông tin mới nhất.

Lịch sử ngân hàng của thế giới có điểm thú vị là các hệ thống ngân hàng quyền lực nhất luôn thuộc về dòng họ hoặc một nhóm người có chung tôn giáo, nguồn gốc địa lý. Sự phát triển của hệ thống ngân hàng đi liền với các hoạt động thương mại nở rộ. Tuy vậy, các nhà ngân hàng thu lợi rất lớn từ các hoàng tộc, triều đình, và nhà nước. Những lợi ích này bao gồm cả của cải vật chất và quyền lực chính trị.

Cho tới thế kỷ 20 và 21, ngay cả khi nền kinh tế toàn cầu đã đạt tới qui mô vô cùng lớn về giá trị tiền tệ, và các thể chế chống độc quyền quốc tế được áp dụng rộng khắp, hệ thống tài chính-ngân hàng quốc tế về cơ bản vẫn nằm dưới sự kiểm soát của một nhóm đại gia tộc kinh doanh tiền tệ.

Nhiều học giả như Glyn Davies (2002), Murray N. Rothbard (1983), và Frederic S. Mishkin (2004) đều sử dụng chung thuật ngữ ngân hàng thương nhân (merchant bank) khi nhắc tới hình thái ngân hàng đầu tiên. Bắt nguồn từ các hoạt động buôn bán, những thương nhân giàu có bắt đầu cho người khác “mượn dùng” tài sản và tiền trong giao thương. Khi của cải tích lũy đủ lớn, các thương nhân này còn hỗ trợ tài lực cho các vương triều và hoàng gia, tạo dựng địa vị và quyền lực để trở thành các đại gia tộc.

Trong quá trình phát triển thương mại, khách hàng của các ngân hàng cũng mở rộng sang đông đảo tầng lớp thương gia và dân cư. Từ đó, hình thành các mô hình ngân hàng thương mại, ngân hàng đầu tư, ngân hàng bán lẻ…

Nguồn: historyworld.net (Bản dịch tiếng Việt của saga.vn)

Xem thêm:
>> 6 người tiên phong vĩ đại nhất lịch sử tài chính thế giới


 

Share:

Trang

Nổi bật

Giới siêu giàu kiếm tiền từ đâu?