Kiến thức chứng khoán - Kinh nghiệm đầu tư chứng khoán

Thứ Ba, 6 tháng 9, 2016

Tại sao Walmart bỏ hàng tỷ USD mua Jet.com?


Bỏ ra 3,3 tỉ USD vào một công ty không sinh lời như website mua sắm Jet.com dường như là một canh bạc không mấy khôn ngoan của Doug McMillon, Tổng Giám đốc nhà bán lẻ số 1 thế giới Walmart. Đây là thương vụ mua lại đắt đỏ nhất từ trước đến nay đối với một startup thương mại điện tử Mỹ và là dấu hiệu cho thấy McMillon đang lo ngại trước sự bành trướng mạnh mẽ của Amazon.com. Đó cũng là sự thừa nhận rằng mặc cho đầu tư rất lớn vào mảng thương mại điện tử, nhưng website riêng Walmart.com của Công ty vẫn không đủ sức cạnh tranh với Amazon trên mặt trận trực tuyến.

Walmart vẫn còn chiếm tới 1/10 doanh số bán lẻ Mỹ, nhưng đã sụt giảm từ mức 11,6% vào năm 2009, theo công ty cung cấp dịch vụ tài chính Cowen Group. Thị phần của Amazon chỉ bằng phân nửa của Walmart, nhưng công ty này đang tăng trưởng rất nhanh. Hơn nữa, xu hướng mua sắm trực tuyến, vốn là thế mạnh của Amazon, đang phát triển mạnh mẽ. Năm ngoái, cứ mỗi 10 USD được người mua sắm Mỹ chi ra thì có 1 USD được chi trực tuyến. Thậm chí các khách hàng trung thành của Walmart cũng bắt đầu dùng Amazon. Năm ngoái hơn 1/10 khách hàng Walmart đã mua sắm trên Amazon.
Tai sao Walmart bo hang ty USD mua Jet.com?
Rõ ràng, McMillon cho rằng đã đến lúc phải thay đổi cách tiếp cận thị trường thương mại điện tử, chứ không thể tiếp tục duy trì cách làm hiện tại. Nhà bán lẻ này đã thành lập Walmart.com cách đây hơn 15 năm. Và dưới thời của McMillon, Công ty đã và đang rót hàng tỉ USD vào mảng thương mại điện tử, bắt tay hợp tác với Uber và Lyft để thử nghiệm các dịch vụ giao hàng tận nhà và thậm chí ra mắt hệ thống thanh toán di động của riêng mình. Công ty cũng đã mở các trung tâm phân phối quy mô lớn ở Mỹ và thuê hàng trăm nhân viên thương mại điện tử tại các văn phòng ở California.

Trong những tháng gần đây, Walmart cũng đã nhanh chóng tăng số sản phẩm bán trực tuyến để hút khách từ Amazon. Walmart.com giờ có khoảng 11 triệu sản phẩm và đang gia tăng lượng sản phẩm bằng cách kết nạp thêm những nhà kinh doanh bên thứ ba vào website và khuyến khích các nhà sản xuất mà bán hàng trong siêu thị Walmart đăng tải thông tin về các sản phẩm của họ trên Walmart.com (ở mảng này, Walmart cũng kém cạnh, khi Amazon có tới hơn 200 triệu sản phẩm bán trực tuyến). 

Thế nhưng, mặc cho nỗ lực của McMillon, doanh số bán thương mại điện tử của Walmart vào năm ngoái đạt gần 14 tỉ USD, chỉ chiếm 3% tổng doanh thu hằng năm 482 tỉ USD. Trong khi đó, doanh số bán của Amazon đã đạt tới 107 tỉ USD năm ngoái, bao gồm mảng dịch vụ web.

Đáng nói là tăng trưởng doanh số bán trực tuyến của Walmart đang chậm lại. Năm ngoái, doanh số bán thương mại điện tử trên toàn cầu của Công ty đã tăng 12% (so với mức tăng 20% của Amazon). Quý I năm nay, tăng trưởng đã chậm lại chỉ còn 7%.

Kết quả này, đối với McMillon, là một lý do để ông phải tính đến một thương vụ thâu tóm nhanh chóng để gia tăng sức mạnh trên mặt trận trực tuyến. Và Jet.com là ván bài mà McMillon đặt cược.
Tai sao Walmart bo hang ty USD mua Jet.com?
Tổng Giám đốc Doug McMillon của nhà bán lẻ Walmart. Ảnh: walmart.com

“Mua lại Jet.com nằm trong xu hướng đó (tức gia tăng nội lực cho mảng trực tuyến)”, Barbara Kahn, Giáo sư marketing của Trường Wharton, nhận xét. Bà cho biết, khách hàng ngày nay tìm đến nơi cho họ những cái họ muốn “một cách thuận tiện nhất với cái giá tốt nhất”. Để đáp ứng nhu cầu này, Walmart cần một chiến lược đa kênh và đó là lý do vì sao việc mua Jet.com dường như là một chiến lược hợp lý, bà nói.

Thế nhưng, theo hầu hết các chuyên gia phân tích, mua lại Jet.com cũng khó mà thay đổi nhịp độ trận đấu giữa hai gã khổng lồ này. “Chúng tôi cho rằng bắt kịp Amazon ở mảng trực tuyến là một mục tiêu khó thực hiện”, Charlie O’Shea, chuyên gia phân tích bán lẻ tại Moody’s, nhận xét.

Trong giới công nghệ, một số người xem trang web mua sắm Jet.com là một chú lừa xấu xí ngụy trang thành kỳ lân. Jet.com được tin rằng đã lỗ khoảng 30 cent cho mỗi đồng đô la doanh số bán tạo ra (Jet.com không công bố các con số), vì mức giá bán quá thấp của nó. Càng bán nhiều cho khách hàng thì Jet.com càng lỗ.

Dù như thế nào, McMillon có lý do để đặt niềm tin vào Jet.com. Ông cho biết ông rất ấn tượng với thuật toán định giá theo thời gian thực của Jet.com, cho phép người tiêu dùng có được mức giá thấp hơn nếu họ bỏ thêm hàng vào giỏ đi chợ của mình. Thuật toán cũng nhận diện các nhà kinh doanh nào của Jet.com là gần gũi nhất với người tiêu dùng, giúp giảm thiểu chi phí vận chuyển hàng và cho phép họ đưa ra các khoản giảm giá. Walmart muốn tích hợp phần mềm này với phần mềm của mình. “Mua lại nền tảng này có lý hơn là tự phát triển phần mềm trong nội bộ”, theo O’Shea, thuộc Moody’s.

Hơn nữa, đối với McMillon, mua lại Jet.com cũng là mua vào các tài năng, đặc biệt là Tổng Giám đốc Marc Lore, nhà sáng lập Jet.com. Lore được đánh giá là một thiên tài về thương mại điện tử. Lore đồng sáng lập Quidsi, công ty mẹ của Diapers.com và Soap.com và nhiều công ty khác, mà đã được Amazon mua lại với giá 545 triệu USD cách đây 6 năm. Lore sẽ điều hành cả Jet.com lẫn Walmart.com.

McMillon cho biết khi gặp Marc Lore vào mùa xuân vừa qua, ông nhanh chóng nhận ra rằng cả hai có cách suy nghĩ giống nhau. Khi cuộc nói chuyện kết thúc, họ cũng đã phác thảo ra phương án làm thế nào để sự kết hợp giữa hai công ty gia tăng được năng lực cạnh tranh.

Mặt khác, Jet.com cũng sở hữu lượng khách hàng mua sắm thuộc thế hệ người tiêu dùng millennial (những người trong độ tuổi 18-35 tuổi lớn lên cùng các phương tiện truyền thông xã hội), với mức tăng khoảng 400.000 người/tháng. Đây là nhóm khách hàng mà Walmart  rất muốn “làm thân”. Jet.com cũng có mối quan hệ đối tác với hơn 2.400 nhà bán lẻ và nhãn hàng. “Đó là một liều thuốc kích thích cho Walmart”, McMillon nói.

Tuy nhiên, mua lại Jet.com không giúp McMillon giải quyết được các vấn đề khác của Walmart. Một trong số đó là làm thế nào để hòa hợp mảng thương mại điện tử với hệ thống cửa hàng quy mô lớn của nó.

Cứ 9 trong số 10 người Mỹ sống trong vòng 10 dặm thuộc phạm vi của một trong những siêu thị của nó. Điều này có nghĩa là những người mua sắm trực tuyến có thể lấy hàng đặt mua ở gần đó. Walmart cho biết những người mua trực tuyến và cả mua trong siêu thị có xu hướng chi nhiều hơn so với những người chỉ mua ở cửa hàng. Nhưng Công ty đối mặt với hai sự thật khó xơi. Thứ nhất, xây dựng một lĩnh vực thương mại điện tử là cực kỳ đắt đỏ. Thứ hai, khi ngày càng nhiều người chuyển sang mua sắm trực tuyến, họ có thể sẽ không mặn mà với việc tới siêu thị Walmart. Điều này có thể khiến cho mức sinh lời của Walmart sụt giảm và buộc Công ty phải đóng cửa thêm nhiều siêu thị.

 “Cái bắt tay giữa Walmart và Jet.com sẽ đưa cuộc chiến thương mại điện tử trở thành cuộc đua song mã”, Simeon Gutman, chuyên gia phân tích tại Morgan Stanley, nhận xét. Trong khi Walmart có thể hưởng lợi từ chuỗi cung ứng, nhân tài và trình độ công nghệ của Jet.com, nhưng Gutman cho rằng cả hai hoạt động theo 2 mô hình rất khác nhau. “Chúng tôi không thấy Jet.com giải quyết được các vấn đề cốt lõi của Walmart như hợp nhất website, các siêu thị và tài sản phân phối của nó”, ông nói.
Ngô Ngọc Châu
Nhịp Cầu Đầu Tư
Share:

Trang

Nổi bật

Giới siêu giàu kiếm tiền từ đâu?