Kiến thức chứng khoán - Kinh nghiệm đầu tư chứng khoán

Thứ Hai, 20 tháng 2, 2017

ACB trở lại nhờ đâu?

Nhờ xu hướng tăng giá tích cực trong thời gian gần đây của nhóm cổ phiếu ngân hàng, giao dịch cổ phiếu ACB cũng diễn biến khá tốt sau nhiều năm giậm chân tại chỗ. 

Yếu tố nào 

Từ sau Tết Đinh Dậu đến nay, nhóm cổ phiếu ngân hàng thể hiện vai trò dẫn dắt VN-Index với 3 trụ chính nâng đỡ thị trường là VCB, CTGBID. Ba mã cổ phiếu này đã tăng tổng cộng lần lượt 9%, 13% và 14%. Một điều đáng nói ở nhóm này là không chỉ các cổ phiếu có tiềm lực lớn, mà những cổ phiếu một số ngân hàng được cho là èo uột suốt thời gian dài trước đây cũng đang bật tăng trở lại. Đó là ACB, EIB, MBB… Trong đó, cổ phiếu ACB được giới đầu tư khá quan tâm vì không ít lần được đánh giá là động lực chính của sàn HNX, thậm chí còn là trụ đỡ đáng kể nhất.

ACB đang có những bước phục hồi quan trọng sau sự cố nhân sự năm 2012


Gần đây, cổ phiếu ACB có yếu tố tăng giá trị nhanh và mạnh. Nếu tính ở giá trị hiện tại, thì không phải các mã cổ phiếu của ngân hàng có vốn Nhà nước chi phối như VCB, CTG hay BID, mà chính cổ phiếu ACB ghi nhận mức tăng từ đầu năm đến nay cụ thể: mức giá 17.600 đồng (ngày 3/1) lên 23.500 đồng (ngày 16/2), đặc biệt có thời điểm giao dịch quanh mức 24.500 đồng/cổ phiếu (3/2). Riêng cổ phiếu ACB cũng chính thức đạt mức giá cao nhất trong vòng 4 năm qua kể từ năm 2012. Vậy đâu là lý do mà giá cổ phiếu ACB lại bứt phá trong mấy ngày qua là điều mà nhiều người quan tâm.

Theo một chuyên viên phân tích cổ phiếu ACB của Công ty Chứng khoán SSI, là một trong những ngân hàng đầu tiên gắn liền với quá trình tái cấu trúc của ngành, đến cuối năm 2016, ACB đã cơ bản xử lý xong các vấn đề tồn đọng trong quá khứ.

Đối với những nhà đầu tư ưa thích ACB thì ngân hàng này đang có khá nhiều lợi thế khi sớm vượt qua khủng hoảng trong bối cảnh nhiều đối thủ cùng ngành vẫn đang bắt tay vào thực hiện tái cấu trúc. Còn theo chuyên viên phân tích của Công ty Chứng khoán Rồng Việt, năm 2016 lợi nhuận sau thuế tương ứng khoảng 1.245 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ. 

Vượt qua thời kỳ khó khăn nhất 

Ông Đỗ Minh Toàn, Tổng giám đốc ACB chia sẻ, đến nay ACB đã đạt được những thành tựu nhất định trong suốt giai đoạn 2012-2016. Theo khảo sát của các tổ chức bên ngoài, chất lượng dịch vụ của ACB cũng được cải thiện rõ rệt, tăng từ 85,3% lên 90% thông qua các kênh giao dịch tại chi nhánh, hệ thống ATM, internet, mobile banking… Đi kèm với tăng trưởng tín dụng tốt thì tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng giảm mạnh. Tính đến cuối năm 2016 con số này chỉ còn 0,85% trong khi đỉnh điểm quý II/2014 lên mức 3,65% vượt chuẩn quy định của NHNN.

Nhà đầu tư cũng có thể nhận thấy hoạt động ngân hàng lõi, cũng như việc xử lý các vấn đề tồn đọng của ACB đã đạt được những kết quả khả quan. Cụ thể, với các chỉ tiêu an toàn thanh khoản đang khá tốt, thông qua các tỷ lệ cho vay trên vốn huy động dưới 80% và tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn xoay quanh mức 30%.

Theo đó, hoạt động tín dụng của ACB tăng khá nhanh trong năm 2016, ước đạt 21%, cao hơn đáng kể so với mức tăng trung bình của ngành và so với mức tăng trưởng 16% của tiền gửi khách hàng. Tỷ lệ thu nhập lãi cận biên ước tính tăng nhẹ lên xấp xỉ 3,4%, thu nhập lãi thuần theo đó dự báo đạt hơn 6.900 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 17% so với cùng kỳ.

Về những vấn đề tồn đọng, liên quan đến khoản vay của hai ngân hàng 0 đồng, CBBank (dư nợ 400 tỷ đồng) và GPBank (dư nợ 772 tỷ đồng), ACB đã trích lập toàn bộ cho khoản vay của CBBank, hoán đổi 500 tỷ đồng dư nợ của GPBank thành trái phiếu DN có tài sản đảm bảo với mức sinh lợi tốt và đang tiến hành thương lượng đối với khoản nợ hơn 272 tỷ đồng còn lại và dư nợ gần 5.800 tỷ đồng của nhóm 6 công ty.

Thông tin mới cập nhật là ACB đã thu hồi được khoảng 2.500 tỷ đồng nợ của nhóm này thông qua xử lý tài sản đảm bảo. ACB dự tính sẽ hoàn tất việc xử lý các vấn đề tồn đọng vào năm 2017.

Ngoài ra, ACB là một trong những ngân hàng có số dư trái phiếu đặc biệt thấp trong hệ thống và khá tích cực trong việc thu hồi nợ xấu đã bán qua VAMC. Đến cuối quý II/2016, số dư trái phiếu đặc biệt của ACB là 1.785 tỷ đồng, giảm hơn 5% so với cuối năm 2015. Nhờ tiến độ thu hồi nợ tốt, ước tính chi phí trích lập dự phòng rủi ro cho trái phiếu đặc biệt của ngân hàng này xoay quanh mức 300 tỷ đồng mỗi năm. Như vậy, sau khi xử lý xong các khoản tồn đọng cũ, ACB có thể đẩy nhanh việc trích lập dự phòng cho trái phiếu đặc biệt nhanh hơn chỉ tiêu của NHNN.

Một điểm cũng rất quan trọng trong việc kích giá trị cổ phiếu ACB tăng, vì đây là NHTM ngoài quốc doanh duy nhất hiện nay trên sàn kín room ngoại. Tính đến cuối năm 2015, ACB có nhóm cổ đông tổ chức nước ngoài nắm giữ 29,99% vốn. Trong các ngân hàng ngoài quốc doanh đang niêm yết trên sàn chứng khoán, chỉ có thêm EIB có nhiều vốn thuộc sở hữu nhà đầu tư ngoại (26,21%), còn các ngân hàng khác như STB, MBB, SHB thì cổ đông ngoại chỉ nắm giữ khoảng 10% vốn trở xuống.

Có lẽ yếu tố ACB vừa trả cổ tức cổ phiếu 10% tăng vốn điều lệ lên 10,273 tỷ đồng tạo cơ sở để ngân hàng mở thêm chi nhánh và đầu tư vào tài sản cố định, tăng sức cạnh tranh khiến nhiều người bị hấp dẫn. Chưa kể, ACB cũng dự kiến sẽ trả cổ tức trở lại vào năm 2018 tại mức 15% mệnh giá trong khi hiện nay 10% đã là mức cao nhất…

Giới phân tích cho rằng có một yếu tố quan trọng là các mã cổ phiếu ngân hàng gần đây có bước tăng quan trọng trên thị trường chứng khoán nên đã kéo một số mã ngân hàng đi lên. Trên thị trường chứng khoán còn có cổ phiếu VIB đang giao dịch trên thị trường UPCoM cũng có những diễn biến khá tốt, số lượng cổ phiếu giao dịch thành công của VIB luôn luôn cao. Thế nhưng các mảng kinh doanh của VIB vẫn chưa có quy mô lớn như ACB, STB…

>> Liên hệ Mua bán cổ phiếu - Tư vấn đầu tư - Ủy thác đầu tư
 Kim
Thời Báo Ngân Hàng
Share:

Trang

Nổi bật

Giới siêu giàu kiếm tiền từ đâu?