Kiến thức chứng khoán - Kinh nghiệm đầu tư chứng khoán

Thứ Hai, 20 tháng 2, 2017

Cơ hội của các quỹ đầu tư mạo hiểm

Nhờ vào các thương vụ cổ phần hóa và niêm yết của các DN lớn dự kiến sẽ diễn ra tấp nập trong năm nay. Lợi nhuận đầu tư theo chiến lược này, nếu tình hình diễn biến thuận lợi, có thể lớn hơn nhiều so với kỳ vọng thông thường của nhiều người quan tâm. 

2017 có thể là năm triển vọng của quỹ đầu tư với chiến lược mạo hiểm dựa theo các sự kiện. Đó là nhờ vào các thương vụ cổ phần hóa và niêm yết của các DN lớn dự kiến sẽ diễn ra tấp nập trong năm nay. Lợi nhuận đầu tư theo chiến lược này, nếu tình hình diễn biến thuận lợi, có thể lớn hơn nhiều so với kỳ vọng thông thường của nhiều người quan tâm.

Điển hình như trường hợp của Viejet Air (mã VJC). Trong phiên IPO của công ty này, có nhiều quỹ đầu tư đã tham gia, như quỹ đầu tư GIC thâu tóm 5,48% cổ phần, Dragon Capital sở hữu 3,9%. Ngoài ra, còn có những cái tên đình đám khác như Morgan Stanley, Vina Capital hay Công ty chứng khoán TP.HCM (HSC).

Giá bán cho các nhà đầu tư không được tiết lộ chính thức. Hãng tin Reuters ước tính giá bán cho các tổ chức của VJC là trung bình khoảng 84.400 đồng/cổ phiếu. Vietjet Air lên kế hoạch niêm yết cổ phiếu vào cuối tháng 2 với giá chào sàn dự kiến sẽ là 90.000 đồng/cổ phiếu.
http://www.blogchungkhoan.com/2013/12/warrent-buffet-hay-song-that-gian-di-va.html


Tuy vậy, giá giao dịch của VJC trên sàn OTC trong các ngày qua đã tăng đến hơn 110.000 đồng, thậm chí chưa có dấu hiệu dừng lại. Như vậy, chỉ cần chốt lời vào thời điểm này, các quỹ đầu tư như GIC, Dragon Capital đã có thể thu được tỷ suất sinh lợi lên đến 30% - mức sinh lợi đáng mơ ước chỉ trong một sự kiện IPO và niêm yết. Tất nhiên, tỷ suất lợi nhuận còn có thể cao hơn nếu giá cổ phiếu VJC giữ được đà tăng trưởng ngay sau khi chính thức niêm yết.

Một trường hợp khác mang lại suất sinh lợi khả quan cho các nhà đầu tư là địa ốc Novaland. Cuối năm ngoái, Novaland đã chào bán cho các nhà đầu tư tổ chức khoảng 10% cổ phiếu với giá trung bình khoảng 2 USD (tương đương với gần 46.000 đồng/cổ phiếu). Sau khi niêm yết trên sở giao dịch chứng khoán TP.HCM, giá cổ phiếu của Novaland đã tăng mạnh lên 60.000 đồng, tức mang đến suất sinh lợi hơn 30% cho các quỹ đầu tư đã tham gia vào đợt phát hành thêm cổ phiếu trước đó. 

Trong năm nay và các năm sau, khá nhiều DN lớn sẽ IPO, như các Tổng công ty Phát điện trực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Công ty mẹ Tổng công ty thuốc lá, Tổng công ty Lương thực miền Nam, Mobifone, Tổng công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam, Tổng công ty Thương mại Sài Gòn, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn, Sài Gòn Tourist...

Một dòng cổ phiếu khác hứa hẹn mang đến cơ hội cho nhà đầu tư là các cổ phiếu ngân hàng. Chính phủ có thể sẽ nới thêm room sở hữu cổ phần cho các nhà đầu tư nước ngoài nhằm mục tiêu đẩy mạnh tiến trình tái cấu trúc hệ thống. Hiện trần sở hữu của các nhà đầu tư ngoại ở các ngân hàng là 30%.

Đó sẽ là cơ hội cho các quỹ đầu tư theo xu thế sự kiện, tận dụng cơ hội chênh lệch giá xảy ra trước và sau các sự kiện. Điều này đã được chứng minh trong các câu chuyện của Vietjet Air, Novaland, mang lại tỷ suất sinh lợi khả quan hơn so với các chiến lược đầu tư thụ động.

Tất nhiên, không phải lúc nào các quỹ đầu tư theo chiến lược sự kiện cũng thành công, nhất là trong trường hợp thị trường đi xuống vào đúng thời điểm DN niêm yết lên sàn. Thậm chí cơ hội cũng sẽ bị bỏ lỡ nếu DN quyết định niêm yết trước khi phát hành cổ phiếu cho các cổ đông chiến lược như trường hợp của Sabeco hay Habeco.

Ngoài ra, các quỹ đầu tư lựa chọn theo chiến lược sự kiện sẽ cần đội ngũ phân tích kỳ cựu và giàu kinh nghiệm, bởi mức giá chào bán của các công ty có thể chỉ mang tính chủ quan và chưa phản ánh được kỳ vọng của thị trường. Một số thương vụ M&A diễn ra không theo kế hoạch định trước còn khiến chi phí của các quỹ đầu tư tăng lên.

Ngay cả ở thị trường có nhiều sự kiện như ở Mỹ, các quỹ đầu tư theo này trong 2016 đã mất tổng cộng 38,3 tỷ USD giá trị tài sản thuần (theo thống kê của hãng HFR) do số lượng các thương vụ M&A sụt giảm.

Nhưng niềm vui cho các nhà đầu tư tham gia vào thị trường Việt Nam là trong 1 năm qua, thị trường chứng khoán đi lên một cách bền vững, dù đối mặt với nhiều thách thức về dòng vốn ngoại thoái vốn, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ liên tiếp nâng lãi suất hay tình trạng “mù mịt” của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Tính đến giữa tháng 2 năm nay, chỉ số VN-Index đã tăng trưởng gần 30% và lần đầu tiên vượt qua cột mốc 700 điểm, vượt trội so với mức tăng trưởng chỉ xấp xỉ 12% của chỉ số MSCI các thị trường cận biên (MSCI FM Index). Sự hứng khởi này có thể sẽ được tiếp tục duy trì trong thời gian tới nếu nền kinh tế Việt Nam giữ được đà phục hồi và lạm phát ổn định.

>> Liên hệ Mua bán cổ phiếu - Tư vấn đầu tư - Ủy thác đầu tư
Nam Minh
Thời Báo Ngân Hàng

Share:

Trang

Nổi bật

Giới siêu giàu kiếm tiền từ đâu?