Quỹ đầu tư Mekong Capital mới đây gây
nhiều thắc mắc khi công bố khoản đầu tư vào chuỗi cửa hiệu cầm đồ F88,
đây là khoản giải ngân thứ ba của Mekong Capital từ quỹ MEF III vốn được
gây quỹ xong vào 2016 với quy mô 112 triệu USD.
F88 chỉ mới thành lập vào 2013, cung cấp các dịch vụ tín dụng mờ (shadow banking) cho khách hàng với tài sản cầm cố là ô tô, xe máy, điện thoại di động và laptop. Thời gian vay vốn là khá ngắn, thông thường trong vài tuần đến 1 tháng. Tất nhiên, lãi suất mà người đi vay phải chịu là không hề nhỏ, có thể lên đến hàng chục % mỗi tháng.
Hiện F88 có 15 cửa hàng tại miền Bắc. Sau khi có nhà đầu tư chiến lược Mekong Capital, F88 dự kiến sẽ phát triển nhanh chuỗi cửa hàng ra toàn quốc với quy mô nhắm tới là 300 cửa hàng vào 2020.
Có thể thấy chủ đích của Mekong Capital là tấn công vào thị trường ngách và phục vụ lớp khách hàng ở tầng dưới cùng, nơi mà các dịch vụ NH chưa vươn đến. Nhưng đó là cuộc chiến không hề dễ dàng.
Chỉ tính riêng trên địa bàn TP.HCM, theo số liệu của UBND TP.HCM thì tổng số cơ sở hoạt động kinh doanh cầm đồ đã lên tới 2.553 cơ sở. Còn nếu tính cả nước, con số này có thể lên đến hàng chục nghìn.
Như vậy, áp lực cạnh tranh của F88 trong việc giành lấy thị phần từ các chủ đầu tư nhỏ lẻ khác là rất lớn. Điều thuận lợi cho F88 là hiện phân khúc tài chính này chưa có những thương hiệu lớn có tiềm lực tham gia nên nếu thực hiện một chiến lược phù hợp, cùng đội ngũ nhân lực thực thi xuất sắc, F88 có thể thu được kết quả kinh doanh khả quan trong 10 năm tới.
Về phía Mekong Capital, kinh nghiệm đầu tư vào thế giới di động trong quá khứ được kỳ vọng sẽ giúp họ thành công ở F88. “Chúng tôi tin rằng với phương pháp gia tăng giá trị cho công ty dựa trên mô hình đầu tư lấy tầm nhìn làm định hướng cùng với mạng lưới rộng lớn các chuyên gia và nguồn lực quốc tế của Mekong Capital, F88 sẽ tiếp tục cải thiện hoạt động của mình và̀ thực hiện thành công kế hoạch mở rộng trên toàn quốc đầy tham vọng”, ông Chris Freund - Giám đốc điều hành của Mekong Capital nói.
Trong khu vực Đông Nam Á cũng có những mô hình kinh doanh chuỗi cầm đồ khá thành công. Điển hình như tại Singapore có MoneyMax Financial Services, Cash Converters, Malaysia có chuỗi Muslim Malays, hay Thái Lan có chuỗi cầm đồ Easy Money. Lĩnh vực dịch vụ cầm đồ của Thái Lan ước tính có giá trị khoảng 5,3 tỷ USD vào 2013.
Lợi nhuận trong phân khúc tín dụng mờ này khá cao. Theo ghi nhận của hãng Reuters, tỷ suất lợi nhuận biên trước thuế của các chuỗi Money Max là hơn 30% - khá cao khi so sánh với các lĩnh vực kinh doanh tài chính khác nhờ vòng quay vốn nhanh chóng.
Tất nhiên là lợi nhuận cao thường đi kèm với rủi ro cao. Bởi phần lớn khách hàng của DN, cửa hàng cầm đồ là những người, các công ty không đủ chuẩn để tiếp cận các khoản tín dụng có lãi suất thấp hơn từ hệ thống NH.
Ngoài ra, một số khách hàng đi vay sử dụng tài sản cầm cố là bất động sản, vàng... có biên độ giá biến động rất lớn, gây khó khăn cho các DN trong việc định giá và kiểm soát rủi ro mỗi khi có sự cố xảy ra. Đó là chưa kể, tài sản cầm cố tại các cửa hàng cầm đồ có thể là không hợp pháp và việc cung cấp các khoản tín dụng dựa trên tài sản này không phải là điều được khuyến khích.
“Hoạt động tín dụng của các cửa hiệu cầm đồ có tính công chúng cao. Nếu quản trị rủi ro không tốt sẽ gây ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội”, ông Phan Lê Thành Long, Giám đốc điều hành Công ty đào tạo kế toán và kiểm toán AFA Research & Education nhận định.
Nhìn chung sự hấp dẫn về lợi nhuận là điều dễ thấy khi tham gia vào mô hình cho vay cầm đồ, nhưng nó cũng gây ra thách thức cho DN tham gia nếu hệ thống rủi ro không đủ năng lực theo kịp với những biến động của thị trường. Vì thế nếu so với khoản đầu tư vào Thế giới Di động, thách thức mà Mekong Capital phải giải quyết tại F88 có thể lớn hơn nhiều.
Mô hình kinh doanh cầm đồ, thực thất là thị trường khá nhạy cảm, thiếu minh bạch nằm ngoài khu vực NH mà các chuyên gia Việt Nam cho rằng Nhà nước nên cần kiểm soát lại, tránh lặp lại trường hợp đổ vỡ hàng loạt gây hiệu ứng xấu trong xã hội.
Theo ước tính của các chuyên gia kinh tế, quy mô tín dụng mờ ở Việt Nam hiện chiếm tương đương với khoảng 22% trên tổng quy mô dư nợ tín dụng của toàn hệ thống NH. Với quy mô như thế, việc kiểm soát lỏng lẻo có thể dẫn đến nợ xấu tăng mạnh, gây nguy hại cho nền kinh tế.
Có một điều đáng chú ý là các DN kinh doanh cầm đồ thường ăn nên làm ra vào thời kỳ nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, điển hình như giai đoạn 2011 - 2013. “Sự thành công của các DN cầm đồ có thể là tín hiệu không vui cho các nền kinh tế Đông Nam Á, bởi chúng kinh doanh hiệu quả nhờ tận dụng sự khó khăn về túi tiền của các hộ gia đình”, Reuters nhận định.
Thời báo Ngân hàng