Kiến thức chứng khoán - Kinh nghiệm đầu tư chứng khoán

Thứ Bảy, 4 tháng 3, 2017

CEO Starbucks tham vọng xây dựng “văn hóa cà phê” mới tại Ý

Starbucks đang lên kế hoạch ra mắt cửa hàng cà phê đầu tiên tại Ý. Theo như chia sẻ của Howard Schultz - CEO của hãng, ông đã dành 34 năm “thai nghén”, với hơn 25.000 địa điểm ở 75 quốc gia khác, trước khi sẵn sàng đưa thương hiệu Starbucks đặt chân lên đất Ý - nơi được coi là “thủ phủ” của cà phê Espresso.


Theo kế hoạch, vào cuối năm 2018, Starbucks sẽ mở một tiệm cà phê rộng 2.370 m2 tại Tòa nhà Palazzo Delle Poste ở trung tâm thành phố Milan, thủ đô của Ý. Tiệm này thuộc chuỗi cà phê Roastery, sẽ phục vụ cà phê kèm với các loại bánh Ý thương hiệu Rocco Princi và một số loại rượu.
"Chúng tôi không đến Ý để dạy người Ý pha cà phê. Chúng tôi đến Ý để làm một người phục vụ tôn trọng văn hóa cà phê mà họ đã xây dựng và mong nhận lại sự tôn trọng đối với sản phẩm của chúng tôi" - Howard Schultz.
“Đến với nước Ý, tuy đây không phải là thị trường lớn nhất thế giới, nhưng đó là thị trường quan trọng nhất đối với cá nhân tôi, cũng như Công ty. Tại sao ư? Bởi vì người Ý đã pha chế được ly cà phê tuyệt hảo trước Starbucks”, CEO Howard Schultz chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Bloomberg tại Milan.

Xây dựng văn hóa cà phê mới với chuỗi Roastery

Sau khi khai trương cửa hàng đầu tiên ở Milan, đối tác được cấp phép kinh doanh của Starbucks tại Ý là Percassi sẽ tiếp tục mở thêm một số cửa hàng nữa tại thành phố này, trước khi nhân rộng đến các thành phố khác ở Ý.

Trong một cuộc họp báo, khi được hỏi về số lượng cửa hàng mà Starbucks đang lên kế hoạch mở ra tại Ý, CEO Howard Schultz phát biểu: “Trong quá trình phát triển, chúng tôi thường mở từ 10 đến 12 cửa hàng trong năm đầu tiên. Tôi cho rằng, đó là một con số an toàn”.

Howard Schultz, người sẽ kết thúc nhiệm kỳ CEO tại Starbucks vào tháng 4 năm nay, hiện đang lên kế hoạch tập trung vào việc xây dựng chuỗi cà phê Roastery, với mục đích cung cấp các sản phẩm cà phê cao cấp hơn so với Starbucks, đồng thời cho phép các khách hàng thử ngay sản phẩm mẫu. 

Starbucks đã mở cửa hàng Roastery đầu tiên tại Seattle (Mỹ) vào tháng 12/2014 với chi phí 20 triệu USD. Giờ đây, tiệm Roastery tại Milan sẽ là tiệm Roastery đầu tiên tại châu Âu và thứ 5 trên toàn cầu. Mới đây, Starbucks tuyên bố với các nhà đầu tư rằng, Công ty đang có kế hoạch mở khoảng 20-30 tiệm cà phê Roastery trên toàn thế giới. 

Giấc mơ sau hơn ba thập kỷ

Howard Schultz thường xuyên chia sẻ rằng, ông đã được truyền cảm hứng và quyết tâm xây dựng một chuỗi cửa hàng cà phê sau khi đến thăm nước Ý vào năm 1983. Các quán cà phê Espresso từ lâu đã được coi là “trung tâm đời sống cộng đồng” của người Ý. Tại đất nước này, người dân có thói quen nhâm nhi một tách Espresso hay Cappuccino mỗi khi thảo luận về chính trị hay thể thao. Xây dựng chuỗi cửa hàng cà phê Roastery tại Ý chính là mong muốn thâm nhập vào nền “văn hóa cà phê” giàu bản sắc đó của Schultz.

“Chúng tôi đã bỏ ra một thời gian khá dài để đi tìm địa điểm. Và khi tôi đi qua Tòa nhà Palazzo Delle Poste cổ kính, tôi biết rằng, đây chính là địa điểm hoàn hảo để tôn vinh văn hóa cà phê, cũng như thể hiện thái độ tôn trọng văn hóa Ý, tại nơi phục vụ những người Ý. Cửa hàng này sẽ là cột mốc cao nhất trong giấc mơ lớn của tôi suốt 34 năm qua, đó là trở lại Milan với vị thế của một trong những nhà bán lẻ giàu kinh nghiệm nhất trên thế giới”, Schultz chia sẻ. 

Sẽ không hề dễ dàng cho “gã khổng lồ” cà phê này, khi mở của hàng đầu tiên tại Milan trong năm tới, Starbucks sẽ phải đối mặt với những thách thức nhất định, chẳng hạn như sự cạnh tranh từ hãng cà phê nội địa Illy vốn được người dân Ý rất ưa chuộng.

“Chúng tôi không đến Ý để dạy người Ý pha cà phê. Chúng tôi đến Ý để làm một người phục vụ tôn trọng văn hóa cà phê mà họ đã xây dựng và mong nhận lại sự tôn trọng đối với sản phẩm của chúng tôi”, Schultz nói.

Cũng trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg, CEO Starbucks đã có những đáp trả về chỉ trích từ nhiều nước châu Âu rằng, Starbucks không nộp đủ thuế. 

“Chúng tôi đã trả 18 triệu bảng Anh (22,4 triệu USD) tiền thuế ở Anh năm ngoái. Đó là minh chứng cho cam kết làm việc đúng quy cách của Starbucks. Chúng tôi muốn trả thuế một cách công bằng nhất”, CEO Starbucks nói.

Schultz cũng đưa ra những nhận định về tiềm năng phát triển của thị trường Trung Quốc. Ông cho rằng, Trung Quốc là một thị trường tuyệt vời cho Starbucks và số lượng cửa hàng mà Starbucks mở ra ở Trung Quốc có thể sẽ vượt cả Mỹ. 

Sau khi Schultz hết nhiệm kỳ CEO tại Starbucks, người thay thế ông sẽ là COO Kevin Johnson.  

>> Starbucks - câu chuyện về một thương hiệu, một nhân cách
 ĐTCK/Theo báo chí nước ngoài
Share:

Trang

Nổi bật

Giới siêu giàu kiếm tiền từ đâu?