Bức tranh giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài trong quý
1/2017 có nhiều gam màu sáng. Nếu như xu hướng tăng lãi suất của Cục Dự
trữ Liên bang Mỹ không khiến dòng vốn ngoại sụt giảm thì có thể xem thị
trường Việt Nam vẫn đang có sức hấp dẫn nhất định.
Thị trường vẫn chưa thật sự được hỗ trợ từ dòng vốn ngoại đang quay lại,
vì vẫn chỉ là một số ít cổ phiếu nằm trong chiến lược riêng của họ.
Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn bề nổi là con số tổng hợp quy mô vốn ròng của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường hàng ngày thì có thể sẽ không chính xác. Dòng vốn ngoại đang vào trực tiếp trên thị trường, nhưng vẫn đang tập trung vào số rất ít cổ phiếu.
Vốn ngoại thuận chiều
Năm 2016 chứng kiến dòng chảy đảo ngược của vốn ngoại với quy mô rất lớn. Riêng trên thị trường cổ phiếu đã lên tới hơn 7.120 tỷ đồng. Lần đầu tiên kể từ năm 2008 dòng vốn này có quy mô rút ra lớn đến như vậy.
Hiện tượng dòng vốn chảy ngược được cho là hệ quả của sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư trên toàn cầu sau những sự kiện bất thường như Anh rời Liên minh Châu Âu (Brexit) hay bầu cử Tổng thống Mỹ. Thị trường chứng khoán phát triển, đặc biệt là Mỹ đã thu hút được dòng vốn đổ vào và lẽ dĩ nhiên, các thị trường khác cũng bị ảnh hưởng.
Xu hướng nâng lãi suất USD của Mỹ là gần như chắc chắn, chỉ chưa rõ ràng ở mức độ. Điều đó có nghĩa là sức hấp dẫn ở thị trường Mỹ vẫn đang tăng, với các chính sách mang tính thu hút đầu tư, bảo hộ thương mại, sản xuất, kích thích tăng trưởng.
Trong bối cảnh đó, dòng vốn ngoại sôi động trở lại trên thị trường chứng khoán Việt Nam có thể xem là điểm sáng. Thị trường cận biên này vẫn đang có sức hấp dẫn nhất định.
Theo thống kê từ các Sở giao dịch, tổng giá trị mua ròng trên thị trường cổ phiếu cửa Việt Nam đến ngày 10/3/2017 đạt khoảng 1.502 tỷ đồng, trong đó 89% là giao dịch trên sàn HSX. Trong khi đó, tính chung cả quý 1/2016, tổng giá trị giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường là bán ròng 744,1 tỷ đồng.
Như vậy, tuy chưa hết quý 1/2017 nhưng xu hướng chủ đạo của dòng vốn ngoại trên thị trường Việt Nam là thuận chiều. Hai tháng đầu năm 2017, số mã số giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài được cấp mới là 313, trong đó 56 mã là tổ chức. Hai tháng đầu năm ngoái số lượng chỉ là 231 mã.
Theo số liệu mới
nhất, trên thị trường hiện có 19.635 tài khoản của nhà đầu tư nước
ngoài. Số lượng tài khoản mới đã gia tăng mạnh ngay từ đầu năm và các
giao dịch trực tiếp trên thị trường cũng gia tăng.
Một thống kê tổng hợp hơn được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phát đi hôm 9/3 vừa rồi, là nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 1.545 tỷ đồng cổ phiếu, chứng chỉ quỹ và 5.960 tỷ đồng trái phiếu. Giá trị danh mục của nhà đầu tư nước ngoài đạt 18,4 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay. Nếu tính chung cả lượng tiền mặt đang có sẵn trên tài khoản gián tiếp thì tổng giá trị cũng xấp xỉ 20 tỷ USD.
Dòng vốn vào đâu?
Giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài vẫn luôn chiếm vị trí quan trọng trên thị trường chứng khoán. Với hoạt động mua ròng khá lớn trên thị trường niêm yết trong quý 1/2017, thị trường cũng được hưởng lợi với mức tăng trưởng của VN-Index khoảng 7,1% so với thời điểm cuối năm 2016. Tuy nhiên cũng không nên quá kỳ vọng hay ngưỡng mộ sự gia tăng của dòng vốn này, vì tác động của nó có giới hạn.
Thứ nhất, quy mô của dòng vốn từ phía nhà đầu tư trong nước đang gia tăng. Tính trung bình trong quý 1/2017 (đến ngày 10/3), tỷ trọng giao dịch mua của nhà đầu tư nước ngoài trực tiếp trên sàn khớp lệnh chỉ là 8,1% tổng giá trị giao dịch. Trong quý 4/2016 là thời điểm mà dòng vốn ngoại vẫn đang rút ra thì dòng vốn cũng đạt cường độ khá tốt, chiếm 8,2% giá trị giao dịch trung bình trong quý.
Khi dòng vốn ngoại vào tăng lên nhưng tỷ trọng trong tổng giao dịch lại giảm đi, tức là quy mô thanh khoản của thị trường đã thay đổi. Vai trò của dòng vốn trong nước đã gia tăng. Quả thực tổng giá trị giao dịch toàn thị trường cổ phiếu (cả thỏa thuận) trong 3 tháng đầu năm nay đạt trung bình 3.222,8 tỷ đồng/phiên, tăng 14% so với mức bình quân của quý 4/2016 (2.831,8 tỷ đồng/phiên).
Thứ hai, nhà đầu tư nước ngoài vẫn chỉ bỏ vốn tập trung vào một số ít cổ phiếu trên sàn và cũng chỉ một phần được mua qua khớp lệnh. Nếu nhìn từ góc độ cung cầu để có thể khiến giá cổ phiếu tăng hay giảm, các giao dịch thỏa thuận là không có tác động.
Ví dụ sàn HSX, tổng giá trị vốn vào ròng trong 3 tháng đầu năm (đến 10/3) là 1.331,9 tỷ đồng thì chỉ 53% là chạy vào qua các giao dịch khớp lệnh, khoảng 716,6 tỷ đồng. Đó là kết quả của việc khối ngoại bán ra hơn 1.949,2 tỷ đồng giá trị cổ phiếu và mua vào 2.056,9 tỷ đồng ở các mã khác.
Nhìn thuần túy sức mua thì rõ ràng là khối ngoại hỗ trợ thị trường. Chỉ có điều phần lớn lực hỗ trợ này tập trung vào những mã như VNM (mua ròng 1.184,3 tỷ đồng), SAB (mua ròng 218 tỷ đồng), ROS (158,9 tỷ đồng ròng), SSI (127,8 tỷ đồng ròng), CTG (115,7 tỷ đồng ròng).
Nhìn vào tỷ trọng rót vốn của khối ngoại cũng có thể thấy rõ sự thiên lệch và chỉ số ít cổ phiếu được hưởng lợi trực tiếp. Những mã như VNM cũng có câu chuyện riêng về dòng vốn ngoại, chứ không nhất thiết là độ hấp dẫn của thị trường như thế nào.
Vneconomy