Kiến thức chứng khoán - Kinh nghiệm đầu tư chứng khoán

Thứ Tư, 17 tháng 5, 2017

Đi tìm nợ xấu trên báo cáo tài chính

Dưới đây là một số kinh nghiệm đọc báo cáo tài chính của các tổ chức tín dụng mà chúng tôi ghi lại từ các cuộc trao đổi với những người trong ngành. Có trải nghiệm có thể mang tính cá nhân. Bạn đọc nếu có những kinh nghiệm khác hoặc làm rõ thêm những ghi nhận trong bài viết này hãy gửi ý kiến đến TBKTSG. Các ý kiến chắc chắn sẽ giúp ích cho các nhà đầu tư và những người quan tâm.


Có nhiều điểm nên lưu ý khi tìm hiểu con số thực nợ xấu của một ngân hàng nếu nhìn vào báo cáo tài chính - tổng giám đốc một tổ chức tín dụng cổ phần chia sẻ. Theo ông thường các nhà đầu tư chỉ nhìn vào con số dư nợ được các ngân hàng phân loại theo nhóm từ 1-5 theo quy định của Ngân hàng Nhà nước trong phần thuyết minh báo cáo tài chính. Nợ từ nhóm 3 đến nhóm 5 là nợ có vấn đề. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ ở phần phân loại nợ này hầu hết thấp, dưới 3%. Một số ngân hàng yếu kém mà báo cáo tài chính được kiểm toán bởi những công ty kiểm toán tên tuổi quốc tế mới thấy tỷ lệ nợ xấu 4-5% hoặc cao hơn.

Trong khi đó, chi tiết dễ bị bỏ qua trên báo cáo tài chính là “các khoản phải thu; các khoản lãi và phí phải thu”. Một số ngân hàng gộp luôn hai khoản trên vào mục gọi là “tài sản có khác” và ghi thành ba mục nhỏ bên dưới bao gồm: các khoản phải thu; các khoản lãi cộng phí phải thu; các tài sản có khác.

Thí dụ báo cáo tài chính hợp nhất quí 4-2016 chưa kiểm toán của một ngân hàng niêm yết trên sàn Hà Nội nêu tài sản có khác tới 16.200 tỉ đồng. “Giả dụ một khoản nợ sắp đáo hạn và ban điều hành biết chắc mười mươi là người vay không thể trả đúng hạn, nhưng nguyên tắc kế toán vẫn cho phép hạch toán là khoản đó có khả năng thu hồi” - vị tổng giám đốc trên nói. Đáng quan tâm nhất là các khoản lãi, phí phải thu. Con số tuyệt đối của lãi và phí phải thu chỉ bằng 10-15% số nợ gốc. Chẳng hạn lãi và phí phải thu là 1.000 tỉ đồng thì gốc nợ phải thu ở tầm 10.000 tỉ đồng. Lãi không thu được, nói chi đến thu nợ gốc.

Một phần khác có thể là nơi ẩn nợ “kín đáo” là “nghĩa vụ nợ tiềm ẩn” ở ngoại bảng. Có ngân hàng trong mục này chia làm hai mục nhỏ là bảo lãnh L/C (thư tín dụng) và bảo lãnh khác. Ngân hàng A bảo lãnh cho ngân hàng B để ngân hàng B cho doanh nghiệp XYZ vay do hạn mức tín dụng của XYZ ở ngân hàng A đã hết hoặc đơn giản XYZ là công ty sân sau nên ngân hàng A không cho vay được. Đã quá hạn, doanh nghiệp XYZ không thể trả nợ được cho ngân hàng B và ngân hàng A phải trả thay. Thay vì hạch toán nợ quá hạn, ngân hàng A có thể đưa vào “bảo lãnh khác” với lập luận vẫn đòi được nợ từ doanh nghiệp kia.

Người đọc báo cáo tài chính, ngoài ra, thường để mắt đến khoản mục “chứng khoán nợ do các tổ chức kinh tế phát hành”. Nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) được các ngân hàng ghi vào đây. Những ngân hàng minh bạch có thể ghi rõ nợ đã bán cho VAMC, nhưng rất hiếm. Ghi rõ thế khác nào thừa nhận “nợ xấu thực của tôi cao lắm”, rồi sẽ phải thuyết minh về trích lập dự phòng rủi ro 20%/năm cho số nợ đã bán cho VAMC theo quy định. Nhiều ngân hàng không trích lập đủ tỷ lệ 20%, có khi chỉ trích 5-10% nên tốt nhất là ghi chung chung “chứng khoán nợ do các tổ chức kinh tế phát hành” để ai muốn hiểu sao cũng được!

Gần đây các nhà đầu tư và giới phân tích “soi” rất kỹ các khoản trích lập dự phòng rủi ro của các ngân hàng. Số trích lập dự phòng càng cao thì khả năng xử lý nợ càng lớn. Trong thuyết minh báo cáo tài chính có phân chia rõ ràng số trích lập dự phòng mới trong năm, số trích lập đã sử dụng để xử lý nợ trong 12 tháng qua, số trích lập được hoàn nhập dự phòng vì khoản nợ nào đó đã thu hồi được, số trích lập dự phòng chung, số trích lập dự phòng cụ thể.

Trong trường hợp số dư trích lập dự phòng còn lại mà quá thấp so với số nợ xấu, thì khả năng giải quyết nợ trong năm tiếp theo có thể khó khăn.

Liên quan đến đánh giá thực trạng tài chính, độ lành mạnh của một ngân hàng, các nhà đầu tư thường đặt gần nhau những con số đơn giản và dễ tìm trong bất cứ báo cáo tài chính nào, đó là tổng tiền gửi của khách hàng và tổng dư nợ cho vay. Nếu dư nợ trên tổng tiền gửi của khách hàng xung quanh 75-85% là tốt. Cá biệt có ngân hàng tỷ lệ cho vay trên cho huy động chỉ 50-60%. Vậy họ huy động tiền gửi cao để làm gì? Phải chăng để bù đắp thanh khoản cho những khoản nợ xấu? Khi đó lại phải tìm hiểu xem chi phí giá thành huy động vốn đầu vào ra sao thông qua con số chi phí trả lãi tiền gửi.

Một số ngân hàng có chi phí đầu vào thấp, mà số vốn huy động vẫn cao, chứng tỏ họ có uy tín và được người gửi tiền tin cậy. Họ sử dụng nguồn vốn huy động được kinh doanh trên thị trường liên ngân hàng. Nhưng không phải tất cả đều thế. Có ngân hàng ở phía Bắc, tỷ lệ cho vay trên huy động thấp, song con số ủy thác đầu tư lại cao vọt. Ngân hàng ủy thác cho công ty chứng khoán, công ty tài chính là nghiệp vụ bình thường. Tuy thế có ngân hàng ủy thác đầu tư để cho các công ty sân sau vay.



TBKTSG
Share:

Trang

Nổi bật

Giới siêu giàu kiếm tiền từ đâu?