Kiến thức chứng khoán - Kinh nghiệm đầu tư chứng khoán

Thứ Năm, 27 tháng 8, 2015

Hàn Quốc đăng ký đầu tư thêm 5,3 tỷ USD vào Việt Nam, vượt xa Nhật Bản

Nếu như đến thời điểm cuối năm 2014, số vốn đăng ký đầu tư vào Việt Nam của Hàn Quốc và Nhật Bản gần tương đương nhau với mức trên 37 tỷ USD, thì đến tháng 8/2015 Hàn Quốc đã vượt xa Nhật Bản.  

Vốn FDI đăng ký bất ngờ tăng

Theo Cục Đầu tư Nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong 8 tháng đầu tiên không chỉ tăng lần đầu tiên kể từ đầu năm nay, mà còn tăng mạnh.
Số liệu cụ thể cho thấy tổng vốn FDI đăng ký cấp mới và tăng thêm trong 8 tháng đạt 13,33 tỷ USD, tăng 30,4% so với cùng kỳ năm 2014.

Tính đến ngày 20/8/2015, Việt Nam đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 1.219 dự án mới với tổng vốn đăng ký 7,87 tỷ USD, tăng hơn 8,7% so với cùng kỳ năm 2014, và cấp phép cho 389 lượt dự án đăng ký tăng vốn với tổng vốn đăng ký tăng thêm 5,46 tỷ USD, tăng 82,8% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, vốn FDI giải ngân trong cùng giai đoạn ước đạt 8,5 tỷ USD, tăng 7,6% với cùng kỳ năm trước.

Các nhà đầu tư nước ngoài được ghi nhận đã đầu tư vào 17 ngành lĩnh vực, trong đó nhiều nhất là lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với 634 dự án đầu tư đăng ký mới và 290 lượt dự án tăng vốn, với tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 10,35 tỷ USD, chiếm 77,7% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Lĩnh vực thu hút nhiều vốn FDI thứ hai là kinh doanh bất động sản với 18 dự án đăng ký mới và 7 lượt dự án tăng vốn với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,82 tỷ USD, chiếm 13,7% tổng vốn đầu tư. Đứng thứ 3 là lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, sửa chữa với 157 dự án đầu tư mới và 26 lượt dự án tăng vốn, với tổng vốn đầu tư 311,08 triệu USD.

Hàn Quốc chi phối 40% đầu tư nước ngoài vào Việt Nam 

Nếu như đến thời điểm cuối năm 2014, số vốn đăng ký đầu tư vào Việt Nam của Hàn Quốc và Nhật Bản gần tương đương nhau với mức trên 37 tỷ USD, thì đến tháng 8/2015 Hàn Quốc đã vượt xa Nhật Bản và tiếp tục giữ vị trí quán quân trong đầu tư vào Việt Nam.

Báo cáo cho thấy, trong 8 tháng, đã có 55 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam.
Trong số 13,3 tỷ vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm, riêng Hàn Quốc đã đóng góp tới 5,26 tỷ USD, chiếm 39,5% tổng vốn đầu tư tại Việt Nam.

Như vậy, tính đến nay, Hàn Quốc có 4.615 dự án tại Việt Nam còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký và tăng thêm đạt 42,9 tỷ USD, vượt xa Nhật Bản – quốc gia hiện đứng thứ hai với 2.725 dự án và vốn đầu tư 37,9 tỷ USD.

Trong 8 tháng, chỉ riêng Dự án Công ty Samsung Display Việt Nam đã nâng số vốn đầu tư thêm 3 tỷ USD, sau khi được cấp phép năm 2014 với số vốn đầu ban đầu là 1 tỷ USD. Đây là dự án sản xuất, lắp ráp, gia công, tiếp thị hoặc bán các loại màn hình, được xây dựng tại Khu công nghiệp Yên Phong 1 tỉnh Bắc Ninh.

Vương quốc Anh là nhà đầu tư FDI lớn thứ 2 vào Việt Nam kể từ đầu năm nay, với số vốn đầu tư 1,25 tỷ USD, chiếm 9,39% tổng vốn đầu tư. Trong đó, riêng Dự án Công ty TNHH liên doanh thành phố Đế Vương đã có số vốn lên tới 1,2 tỷ USD. Dự án này do CTCP bất động sản Tiến Phước và Công ty TNHH bất động sản Trần Thái liên doanh với nhà đầu tư Denver Power Ltd của Anh đầu tư tại TP Hồ Chí Minh.

Với số vốn đầu tư 720 triệu USD trong 8 tháng, Nhật Bản chỉ đứng thứ năm sau BritishVirginIslands (có vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm 973,6 triệu USD) và Hồng Kông (có vốn đầu tư 876 triệu USD).

Tính đến ngày 20/8/2015, cả nước có 18.991 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 265,7 tỷ đồng. Sau Hàn Quốc và Nhật Bản, Đài Loan đứng thứ ba với 2.460 dự án, tiếp đến là Singapore với 1.446 dự án và Trung Quốc với 1.177 dự án.
Share:

Trang

Nổi bật

Giới siêu giàu kiếm tiền từ đâu?