Giảm bớt vốn Nhà nước
Các nhà đầu tư đánh giá cao quyết định
của Thủ tướng Chính phủ về việc thoái vốn Nhà nước tại 10 doanh nghiệp
lớn mà Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đang quản
lý vốn. Theo quan điểm của họ, quyết định này cùng với việc cho phép
tăng sở hữu nước ngoài tại doanh nghiệp trong nước là một bước đột phá
để đưa thị trường chứng khoán Việt Nam nâng hạng từ thị trường cận biên
lên thị trường mới nổi.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư cho rằng, để
việc cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước được thành công thì việc thoái
vốn Nhà nước một cách minh bạch, thông qua đấu thầu và việc tuân thủ và
thực thi, cũng như việc giám sát sự tuân thủ và thực thi Nghị định
60/2015 là điều vô cùng quan trọng.
Các nhà đầu tư đề xuất thêm một số điểm
như việc thoái hết vốn Nhà nước tại một số doanh nghiệp theo Công văn
1787/2015 cần phải được thực hiện một cách minh bạch thông qua đấu thầu
công khai; Chính phủ cần cương quyết yêu cầu các doanh nghiệp đã cổ phần
hóa phải đưa cổ phiếu lên sàn giao dịch chứng khoán theo đúng Nghị định
60/2015.
Bên cạnh đó, việc công bố công khai danh
mục các tập đoàn, công ty sẽ được cổ phần hoá. Danh mục này cần có tên
doanh nghiệp, thời điểm dự kiến sẽ được cổ phần hóa, dự kiến về quy mô
và khoảng giá chào bán sẽ có thể tạo thêm sức cầu cho các đợt IPO của
DNNN.
“Để tạo thanh khoản tốt cho thị trường,
Chính phủ nên bán từ 25 - 30% cổ phần của doanh nghiệp được cổ phần hóa
thông qua các nhà môi giới chứng khoán quốc tế và chuyên nghiệp. Đặc
biệt, Chính phủ cần tích cực và chủ động xây dựng và thiết lập những
chính sách quản trị doanh nghiệp chuẩn mực dựa trên thông lệ quốc tế để
áp dụng cho các doanh nghiệp đã được cổ phần hóa”, Nhóm Thị trường vốn
đề xuất.
Thực thi quy định về tăng sở hữu nước ngoài
Trong con mắt của các nhà đầu tư nước
ngoài, Nghị định 60/2015 cho phép tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại các
công ty đại chúng đã thể hiện định hướng lớn và sự cởi mở của Chính phủ
về việc cho phép các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư sâu rộng hơn vào các
công ty đại chúng và các quỹ đầu tư chứng khoán tại Việt Nam.
Nghị định đồng thời cũng cho phép nhà
đầu tư nước ngoài được thành lập mới hoặc mua đến 100% các tổ chức kinh
doanh chứng khoán đang hoạt động tại Việt Nam khi đáp ứng được một số
yêu cầu cụ thể.
Tuy nhiên, họ cho rằng, có 2 trở ngại lớn làm cho nghị định này không thể thực hiện được.
Thứ nhất, hiện nay, Chính phủ vẫn chưa
công bố danh mục các ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện áp dụng
đối với nhà đầu tư nước ngoài và tỷ lệ sở hữu nước ngoài cụ thể áp dụng
đối với những ngành nghề này, do đó, đã làm vô hiệu hóa phần lớn quy
định về tăng sở hữu nước ngoài tại Nghị định 60.
Thứ hai, Luật Đầu tư 2014 quy định
không rõ ràng về đối tượng điều chỉnh. Việc quy định không rõ ràng làm
cho các doanh nghiệp trong nước, nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước
ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam và cả cơ quan chủ quản Việt
Nam, cụ thể là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Bộ Tài chính, không thể trả
lời rõ ràng câu hỏi: Luật Đầu tư 2014, cụ thể là các Điều 23, Điều 24,
Điều 25 và Điều 26 Luật Đầu tư 2014 có áp dụng đối các doanh nghiệp
trong nước và nhà đầu tư (kể cả nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước
ngoài) khi góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của công ty đại chúng
niêm yết, đầu tư vào các quỹ đầu tư chứng khoán và chứng khoán trên lãnh
thổ Việt Nam hay không?
Để giải quyết hai nút thắt trên, Chính
phủ cần sớm ban hành danh mục các ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều
kiện áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài và tỷ lệ sở hữu nước ngoài cụ
thể áp dụng đối với những ngành nghề này.
Đồng thời, các nhà đầu tư cũng đề xuất,
Nghị định hướng dẫn Luật Đầu tư 2014 của Chính phủ cần quy định rõ, hoạt
động đầu tư vào các tổ chức kinh tế là công ty đại chúng, hoạt động đầu
tư vào các quỹ đầu tư chứng khoán và chứng khoán trên lãnh thổ Việt Nam
thì áp dụng quy định của Luật Chứng khoán và các văn bản quy phạm pháp
luật liên quan.
An Việt - ĐTCK
>> Dịch vụ Tư vấn Đầu tư Chứng Khoán