Kiến thức chứng khoán - Kinh nghiệm đầu tư chứng khoán

Thứ Sáu, 8 tháng 11, 2013

Paul Trần Văn Thình vào nghề đàm phán thương mại (3)

Những bài học vỡ lòng đầu tiên về thương mại đa phương tôi có được là nhờ ông André Philip, bộ trưởng tài chính Pháp thời thủ tướng Paul Ramadier. 
Paul Trần Văn Thình. Ảnh: Tuổi Trẻ.
Paul Trần Văn Thình. Ảnh: Tuổi Trẻ.


Tôi học cùng lớp với Loic Philip, con trai ông ấy, tại Trường Cevenol ở Chambon sur Lignon. Chúng tôi được ông thu nhận làm việc như những thực tập sinh. Nhờ đó, tôi có cơ hội tiếp xúc với nhiều nghị sĩ, giới tài phiệt và các quan chức.

>> Chuyện đời Paul Trần Văn Thình (1)

>> Những năm đầu ở Pháp của Paul Trần Văn Thình (2)

Cuối năm 1947, khi ông André Philip đi dự Hội nghị Havana ở Cuba, hội nghị tổ chức chưa đầy một tháng sau khi Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (GATT) được 23 nước ký kết tại Geneva (Thụy Sĩ), ông đưa tôi đi cùng để giúp việc.

Tạp chí L'Hebdo của Thụy Sĩ ngày 21-5-1987 đăng bài phỏng vấn Paul Trần Văn Thình với tựa đề: Paul Trần - chống hành động Rambo trong thương mại thế giới. Ảnh: Tuổi Trẻ.
Tạp chí L'Hebdo của Thụy Sĩ ngày 21-5-1987 đăng bài phỏng vấn Paul Trần Văn Thình với tựa đề: Paul Trần - chống hành động Rambo trong thương mại thế giới. Ảnh: Tuổi Trẻ.
Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, có hai tổ chức quốc tế đóng vai trò trụ cột trong các hoạt động kinh tế tài chính đa phương là Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ quốc tế. Hội nghị Havana đặt ra tham vọng thành lập Tổ chức Thương mại quốc tế (International Trade Organization - ITO), một cơ chế đặc biệt của Liên Hiệp Quốc trên cơ sở các qui định của GATT. Tháng 3/1948, các nước tham gia đàm phán tại Havana thông qua Hiến chương ITO. Nếu ITO đi vào hoạt động, có thể coi đây chính là mô hình của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Thế nhưng sau đó, quốc hội một vài nước - trong đó có quốc hội Mỹ - không thông qua hiến chương của ITO. Vậy là dự án ITO khai tử. Những nhân chứng tham dự Hội nghị Havana lịch sử nay chỉ còn lại hai người. Đó là tôi và ông Julio Lacarte, người Uruguay.
Tôi không gặp ông Lacarte ở Havana, nhưng sau này khi ông ấy được bổ nhiệm là trưởng phái đoàn thường trực Uruguay bên cạnh các tổ chức quốc tế tại Geneva, chúng tôi cùng phát hiện rằng cả hai từng có mặt tại Havana thời đó.

Tôi tôn ông André Philip là sư phụ của mình. Còn nhớ lúc tôi 25 tuổi, ông ấy nói với tôi: “Anh không thể là một công chức dân chủ nếu ở nhà anh là một tên độc tài”. Ý ông ấy nói con người phải là một thể thống nhất, không thể làm chính trị theo kiểu áp đặt độc tài trong cuộc sống và gia đình nhưng lại đi hô hào về dân chủ và mở rộng tự do. Một người vũ phu ở nhà thì sẽ có ngày dùng bạo lực trên vũ đài chính trị. 

Sau khi lấy bằng tiến sĩ loại ưu, tôi cũng từng thực tập tại phòng marketing của hãng ôtô Renault. Nhưng các triết lý và tư tưởng về thương mại toàn cầu mà ông André Philip theo đuổi và truyền dạy cho tôi thúc giục tôi xin vào làm việc tại Ủy ban châu Âu (EC) ở Brussels (Bỉ). 

Đó là đầu năm 1961. Tôi lọt được vào vòng phỏng vấn. Hôm tôi đến trình diện, người trực tiếp phỏng vấn tôi là một ông sếp đứng tuổi. Vừa nhìn thấy tôi, ông ấy lắc đầu bảo: “Chúng tôi không cần ông, chúng tôi cần một người Pháp chính gốc”. Tôi điềm tĩnh nói: “Tôi có quốc tịch Pháp. Tôi nói tiếng Pháp”. Ông sếp đành nói tuột ra: “Tôi cần một người Pháp làm trợ lý cho tôi vì tôi là người Ý”.
Thế nhưng cuối cùng hội đồng xét duyệt vẫn chọn tôi. Ông người Ý không hài lòng. Ngày đầu tôi đi làm, ông ấy bảo: “Tôi không chọn ông. Nhưng chúng ta vẫn làm việc và hợp tác với nhau”.

Lúc đó tôi suy nghĩ mông lung lắm. Mới ra đời làm việc mà xem chừng bị gặp nhiều bất lợi vì màu da vàng và vóc dáng nhỏ bé, không biết cả cuộc đời mình rồi sẽ ra sao. Tôi vừa tự ái xen lẫn chút tự ti. Cuối cùng tôi chọn cách làm việc để khẳng định mình, quyết định không gây hấn gì với ông sếp cả.

Tôi làm việc cần mẫn. Thay vì làm 8 -9 giờ một ngày, tôi làm việc những 15-16 giờ. Tôi giữ thói quen dậy từ lúc 5 giờ sáng để bắt đầu một ngày làm việc cho tới tận bây giờ. Dần dần, tôi được ông sếp tín nhiệm, còn bản thân ông ấy trở nên lười, cứ việc khó là thảy cho tôi. Nhưng chúng tôi lại trở thành bạn thân.

Trần Văn Thình, đại diện EC tại GATT, trong cuộc chạm trán đầu tiên với Mickey Kantor - đại diện thương mại mới của chính quyền Clinton. Ảnh chụp năm 1993 trên tờ Le Figaro. Ảnh: Tuổi Trẻ.
Trần Văn Thình, đại diện EC tại GATT, trong cuộc chạm trán đầu tiên với Mickey Kantor - đại diện thương mại mới của chính quyền Clinton. Ảnh chụp năm 1993 trên tờ Le Figaro. Ảnh: Tuổi Trẻ.
Thời đó, người châu Á làm việc ở châu Âu rất hiếm. Có lần tôi được mời đi dự một cuộc họp cao cấp. Tới nơi họp, tôi chưa kịp trình bày thì anh gác cổng xua tay bảo: “Hôm nay không ai họp với người Nhật đâu”. Tôi đưa giấy tờ cho họ xem nhưng họ nhất định làm khó tôi. Tôi còn bị bực mình như vậy mấy lần nữa.

Tôi nhớ trong phòng của tôi có những 13 nhân viên nữ mà bà nào cũng không được xinh đẹp cho lắm. Hồi tôi mới vào làm, các bà ấy tỏ ra khó tính, mặt mũi lúc nào cũng cau có. Sau này, bà nào cũng trẻ ra, đẹp ra thế mới lạ. Mọi người bảo đó là nhờ sự vui vẻ và tốt tính của tôi đã "cảm hóa" các bà ấy. Tôi cũng thích tin là đúng vậy.
Suốt từ năm 1961, tôi phụ trách về chính sách thương mại với các nước đang phát triển. Duyên nợ của tôi sau này cũng gắn chặt với các nền kinh tế đang phát triển, đặc biệt là vùng châu Á và Mỹ Latin.

Năm 1971, tôi phát kiến ra hình thức chưa từng có tiền lệ trên thế giới giúp các nước đang phát triển được hưởng ưu đãi về thuế. Đó là GSP (chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập), cho phép các nước đang phát triển tham gia hệ thống này không phải chịu thuế xuất khẩu khi xuất hàng vào Cộng đồng Kinh tế châu Âu (EEC). 

Tôi chịu trách nhiệm thảo ra kế hoạch này và đưa nó vào thực thi. Nhờ những đóng góp của tôi trong việc soạn thảo và thực thi kế hoạch này mà Chính phủ Thái Lan tặng tôi Huân chương Bạch tượng, còn Brazil tặng tôi huân chương cao quí nhất mang tên Thập tự miền Nam.

Năm 1972, tôi được bổ nhiệm là trưởng nhóm chuyên gia "Hàng hóa từ các nước đang phát triển - Các thỏa thuận quốc tế", chịu trách nhiệm đàm phán các thỏa thuận về cà phê, ca cao, dầu ôliu và cao su. 

Ở vị trí này, tôi thường xuyên phải làm việc với G77, nhóm các nước đang phát triển. Lúc đó, phát ngôn viên cho G77 cũng là một người Việt Nam, ông Lê Văn Lợi - đại sứ của chính quyền Sài Gòn cũ tại Liên Hiệp Quốc ở Geneva lúc bấy giờ. 

Chúng tôi từng chạm trán nhau nhiều lần trên các bàn đàm phán. Hai người Việt, một người đại diện cho quyền lợi của châu Âu, một người đại diện cho quyền lợi của các nước thuộc thế giới thứ ba. Ông Lợi đã về thăm lại quê hương năm 2004. Chúng tôi duy trì tình bạn thân thiết đến tận bây giờ.
(Tuổi Trẻ - Tháng 1/2007)
Share:

Trang

Nổi bật

Giới siêu giàu kiếm tiền từ đâu?