(ĐTCK) Trong nhóm 30 CTCK được đánh giá là
hoạt động tốt trên thị trường, có 2 công ty được thừa nhận rộng rãi đủ
sức mạnh duy trì vị trí là CTCK Sài Gòn (SSI) và CTCK TP.HCM (HSC), nhóm
còn lại rất dễ bị “xáo trộn” cùng với những biến động của thị trường.
Vậy đâu là điểm chung của những định chế mạnh, để có thể duy trì đẳng
cấp, thay vì chỉ phong độ nhất thời?
Năm
2007, HSC - Chi nhánh Hà Nội ra mắt bằng một lễ khai trương khá ồn ào
tại Khách sạn Hilton, nhưng khi đó, HSC chưa tạo được ấn tượng nào đậm
nét với thị trường sau 4 năm hoạt động. 2007 cũng là năm HSC có Tổng
giám đốc (CEO) mới, ông Johan Nyvene. Tướng mới, HSC có định hướng mới
và nhiều thay đổi bước ngoặt.
Trước
tiên, vị CEO này thực hiện ngay việc thu hút nhân tài, hướng đến những
nhân sự cấp cao giàu kinh nghiệm làm việc trong các tổ chức tài chính
nước ngoài, đồng thời ông tăng lương gấp đôi cho tất cả nhân viên. Dưới
Tổng giám đốc, HSC có 6 giám đốc bộ phận. Mỗi bộ phận được coi như một
tổ chức độc lập, có bảng cân đối kế toán, kế hoạch lợi nhuận và kế hoạch
làm việc riêng.
“Chỗ nào yếu hơn, cần phát triển hơn, bị
xung đột với các nơi khác thì tôi phải đóng góp giá trị, cân bằng và
điều tiết cho bộ phận đó”, ông Johan chia sẻ với ĐTCK. Mô hình quản trị
này đã tạo ra sự chủ động, thúc đẩy cách làm việc sáng tạo và đem lại
kết quả rất lớn cho Công ty.
Từ Top 20, HSC vươn lên ngôi vị nhất nhì
về thị phần môi giới toàn thị trường, với cơ cấu khách hàng đa dạng.
Các lĩnh vực khác như tự doanh, tư vấn và bảo lãnh phát hành cũng có
những đột phá. Đặc biệt, hiệu quả hoạt động của DN, tính trên các chỉ số
như ROA, ROE đạt mức rất cao. “Nỗ lực đảm bảo nhân viên được đối đãi
tốt, đào tạo bài bản và có thể tiếp cận các kênh thông tin trong Công
ty” là bí quyết dùng người và giữ người được HSC chia sẻ.
Với SSI, trong báo cáo thường niên 2015,
Chủ tịch Nguyễn Duy Hưng kết luận: “Nguồn nhân lực luôn là yếu tố mang
lại sự khác biệt và tính cạnh tranh cho SSI. Cơ hội chia đều cho tất cả,
nhưng một tổ chức có nguồn nhân lực vững chắc, nghiệp vụ chuyên môn tốt
và luôn tràn đầy đam mê, nhiệt huyết sẽ là tổ chức có khả năng chớp
được cơ hội mới”.
Bên cạnh nhân sự, hệ thống công nghệ
luôn là một điểm mạnh và được tối ưu đầu tư tại hai định chế trên. Tuy
nhiên, quan trọng hơn tất cả là việc xây dựng và thiết lập hệ thống quản
trị.
“Chúng tôi nhận ra rằng, quản trị DN là
một khái niệm phát triển liên tục và luôn tiến hóa; thiết lập được mô
hình quản trị DN rõ ràng cũng như liên tục cập nhật và tuân thủ sẽ giúp
HSC tránh được các hoạt động rủi ro. Kinh doanh bền vững quan trọng hơn
so với kinh doanh hiệu quả”, ông Johan nói.
Chủ tịch SSI cũng chia sẻ quan điểm
rằng, quản trị công ty và kiểm soát rủi ro là một trong những nền tảng
giúp DN phát triển bền vững. Tại SSI, quy trình nghiệp vụ và bộ máy hoạt
động được thiết kế với mục đích kiểm tra chéo lẫn nhau để tăng cường
kiểm tra, giám sát nội bộ.
Tuy nhiên, mọi mô hình thành công đều có
thể dễ dàng bị sao chép, “những đặc điểm về mô hình kinh doanh và năng
lực phục vụ khách hàng mà HSC gây dựng trong suốt 2 năm vừa qua ít nhiều
đã trở thành thông dụng trên thị trường và bị sao chép bởi các đối thủ
cạnh tranh”, báo cáo thường niên của HSC viết. Bí quyết thành công của
HSC từng được đúc rút là “cung cấp sản phẩm khách hàng cần, chứ không
phải sản phẩm mình có” đang được nhiều CTCK đi sau áp dụng quyết liệt,
đặc biệt khi công ty có sự hậu thuẫn của các định chế tài chính lớn.
Cuộc rượt đuổi về thứ bậc của các CTCK
trên thị trường trong nhiều trường hợp sẽ giúp khách hàng hưởng lợi khi
áp lực sáng tạo, liên tục đưa ra sản phẩm mới hấp dẫn NĐT là thường
trực. Song cuộc đua không khoan nhượng giữa các CTCK cũng đặt ra những
vấn đề cần suy ngẫm.
Câu chuyện CTCK Phú Hưng (PHS) gần đây
bị phạt nặng vì cho khách hàng margin sai quy định (có 2 được vay 8,
thay vì có 5 được vay 5), đồng thời cho vay ký quỹ với những mã chứng
khoán không đủ điều kiện. Liệu đặt ra mục tiêu tham vọng về thu hút
khách hàng có dẫn tới việc CTCK tung ra các sản phẩm hỗ trợ giao dịch
“lách luật”? Trong vụ việc tại PHS, khách hàng sử dụng các sản phẩm vi
phạm quy định về chứng khoán dù vô tình hay cố ý đều sẽ chịu rủi ro.
TTCK Việt Nam đã trải qua nhiều cơn trồi
sụt, trong đó có một phần nguyên nhân từ sự lũng đoạn và vi phạm các
quy định pháp lý của một số CTCK lớn một thời. Nhiều tên tuổi đã giành
thị phần bằng những chiêu trò và hiện đang phải trả giá đắt bằng những
khoản thua lỗ hoặc nợ khó đòi khổng lồ. CTCK tuột dốc, song nhiều NĐT
chân chính cũng thua lỗ do tình trạng bất công bằng trên thị trường và
từ đó mất niềm tin vào kênh đầu tư này.
Cuộc đua giữa các CTCK được dự báo sẽ
ngày càng quyết liệt khi có những công ty thị phần môi giới từng bằng 0
đã công khai lên tiếng nỗ lực để lọt vào Top cao nhất trên thị trường.
Không đi sẽ không tới, song nếu đi lên bằng “đánh quả” thì hệ quả sẽ là
những ngôi sao sớm nở tối tàn. Chiến thắng chỉ thuộc về những công ty
hoạt động bài bản, đem lại lợi ích và giành được sự tin yêu của đông đảo
NĐT. Chỉ khi ấy, ngôi vị mới thật sự bền vững.