Ông Toyoharu Tsutsui
(ĐTCK) “Không sợ thiếu vốn ngoại, nhất là dòng
vốn Nhật Bản chảy vào TTCK. Điều NĐT nước ngoài lo là khả năng ‘tiêu
hóa’ dòng vốn ngoại của TTCK Việt Nam còn hạn chế và tình trạng này đang
chậm được cải thiện”, ông Toyoharu Tsutsui, Chủ tịch HĐQT Capital
Partners Holdings (Nhật Bản) trao đổi với ĐTCK.
Trong cái nhìn của Capital Partners Holdings, sức hấp dẫn của TTCK Việt Nam hiện tại so với các thị trường lân cận như thế nào?
Qua nhiều năm theo dõi và có những
nghiên cứu sâu, chúng tôi nhận thấy, có một điểm rất đáng chú ý đối với
TTCK ở hầu hết các nước châu Á là khi thị trường bất động sản khởi sắc
thì TTCK sẽ tăng điểm và ngược lại. Điều này là do khi thị trường bất
động sản sôi động, NĐT có xu hướng chốt lời và chuyển vốn đầu tư sang
một số kênh khác, trong đó có chứng khoán.
Điều này cũng không phải là ngoại lệ
với Nhật Bản và càng không phải là ngoại lệ với Việt Nam, cũng như nhiều
TTCK lân cận như: Thái Lan, Malaysia, Philippines…
Trong khi đó, thị trường bất động sản ở
Việt Nam, đặc biệt là ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. HCM, đang bước
vào chu kỳ sôi động trở lại sau một thời gian trầm lắng, nên hứa hẹn
trong thời gian tới sẽ hỗ trợ tích cực cho sự tăng điểm của TTCK. Đây là
điểm hấp dẫn của TTCK Việt Nam so với nhiều thị trường trong khu vực do
thị trường bất động sản ở các nước này đang không ở chu kỳ sôi động.
"Hiện chưa có nhiều NĐT tổ chức Nhật Bản giải ngân vào TTCK Việt Nam, nhưng với tính hấp dẫn của thị trường như đã phân tích, cộng với hiệu quả đầu tư khá tích cực, các NĐT tổ chức đã triển khai các hoạt động đầu tư tại TTCK Việt Nam đang có kế hoạch tăng lượng vốn giải ngân".
Mặt khác, ở mỗi TTCK đều có những cổ
phiếu rất đặc trưng của thị trường đó, với Việt Nam là các mã như: VNM,
VIC, FPT…, trong khi đây là những DN đang ở vào giai đoạn phát triển
sung sức, nên tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực trên TTCK, qua đó thu hút sự
quan tâm của giới đầu tư, đặc biệt là NĐT nước ngoài.
Một điểm khác hiện cũng mang lại sức hấp
dẫn cho TTCK Việt Nam so với nhiều thị trường lân cận là Việt Nam đang
thúc đẩy mạnh mẽ quá trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại hàng loạt
DN. Điều này mang lại nhiều cơ hội đầu tư mới cho dòng vốn ngoại.
Hấp dẫn như vậy, nhưng vì sao dòng vốn ngoại tìm đến Việt Nam chưa nhiều, theo ông?
Có một số lý do, nhưng một trong những
nguyên nhân chính là quy mô của TTCK Việt Nam còn nhỏ, khoảng hơn 50 tỷ
USD. Quy mô nhỏ, cũng như thanh khoản của TTCK còn hạn chế, nên chưa phù
hợp cho nhiều NĐT tổ chức lớn giải ngân vào Việt Nam. Đơn cử như dòng
vốn Nhật Bản chảy vào TTCK Việt Nam thời gian qua, đa phần là của NĐT cá
nhân, mặc dù các NĐT tổ chức lớn cũng quan tâm tới thị trường.
Thực trạng trên cho thấy, TTCK Việt Nam
không lo thiếu dòng vốn ngoại, đặc biệt là dòng vốn Nhật Bản. Điều đáng
ngại là khả năng “tiêu hóa” vốn ngoại của TTCK Việt Nam còn hạn chế.
Tình trạng này đang chậm được cải thiện. Tôi tin rằng, khi quy mô của
TTCK Việt Nam tăng lên gấp đôi so với hiện tại, đạt khoảng 100 tỷ USD,
thì sẽ có làn sóng vốn ngoại, trong đó có vốn từ Nhật Bản chảy vào Việt
Nam.
Hiện tại, ông có nhận thấy dòng vốn Nhật Bản tăng chảy vào TTCK Việt Nam?
Hiện chưa có nhiều NĐT tổ chức Nhật Bản
giải ngân vào TTCK Việt Nam, nhưng với tính hấp dẫn của thị trường như
đã phân tích, cộng với hiệu quả đầu tư khá tích cực, các NĐT tổ chức đã
triển khai các hoạt động đầu tư tại TTCK Việt Nam đang có kế hoạch tăng
lượng vốn giải ngân.
Đơn cử, trên cơ sở thông tin nghiên cứu
chuyên sâu về thị trường Việt Nam do một công ty con là Công ty TNHH Tư
vấn Capital Partners Vietnam (CPVN) triển khai, đến nay, chúng tôi đã
thành lập 3 quỹ đầu tư vào TTCK Việt Nam.
3 quỹ này đang được Capital Partners
Asset Management (CAM) thuộc Capital Partners Holdings quản lý, với tổng
giá trị đã giải ngân vào TTCK Việt Nam 100 triệu USD. Đây là quỹ đầu tư
lớn nhất tại Nhật Bản đầu tư vào TTCK Việt Nam tính đến thời điểm này.
Chúng tôi đã giải ngân vào TTCK Việt Nam cách đây hơn 5 năm. Cùng với
quy mô của TTCK Việt Nam tăng dần, Capital Partners Holdings đang có kế
hoạch huy động thêm vốn để tăng giá trị giải ngân từ 100 triệu USD lên
300 - 400 triệu USD trong thời gian tới.
Ông có thể chia sẻ Capital Partners Holdings tập trung đầu tư vào các DN đã niêm yết hay chưa niêm yết, trong những ngành nào?
Tại TTCK Việt Nam, Capital Partners
Holdings không đầu tư vào các DN chưa niêm yết, mà chỉ đầu tư vào các DN
đã niêm yết. Tỷ trọng lớn trong tổng lượng vốn đã giải ngân vào TTCK
Việt Nam đến thời điểm này của Capital Partners Holdings là đầu tư vào
các cổ phiếu ngành nông nghiệp, thủy sản và các ngành phụ trợ cho 2
ngành đó.
Capital Partners Holdings tiếp tục gia
tăng đầu tư vào cổ phiếu ngành nông nghiệp. bởi đây là ngành có thế mạnh
của Việt Nam. Tuy còn không ít hạn chế về kiểm soát chất lượng nông
sản, nhưng nếu bất cập này được khắc phục thì cơ hội để ngành nông
nghiệp Việt Nam tăng tốc, đặc biệt là xuất khẩu mạnh mẽ ra thị trường
quốc tế là rất triển vọng.
Hữu Hòe thực hiện - ĐTCK
>> Dịch vụ Tư vấn Đầu tư Chứng Khoán