Kiến thức chứng khoán - Kinh nghiệm đầu tư chứng khoán

Thứ Tư, 10 tháng 8, 2016

Nhà đầu tư cá nhân được chào mời mua trái phiếu

Tuần qua, giới đầu tư nhận được bản chào sơ bộ trái phiếu doanh nghiệp của một công ty chứng khoán lớn dự kiến phát hành trong quí 3-2016 với kỳ hạn hai năm, lãi suất kỳ đầu là 8,5%/năm, lãi suất các kỳ sau thả nổi (trung bình lãi suất tiền gửi trả sau kỳ hạn 12 tháng của bốn ngân hàng Vietcombank, BIDV, Agribank và Vietinbank cộng biên độ 2,2%).
Sacombank là một trong những ngân hàng đang tích cực đẩy mạnh phân phối trái phiếu chính phủ cho nhà đầu tư cá nhân. Ảnh: MINH KHUÊ

Trái phiếu nhắm đến nhà đầu tư cá nhân

Các doanh nghiệp phát hành trái phiếu để tăng vốn đang có xu hướng nhắm đến đối tượng khách hàng là các nhà đầu tư cá nhân, thay vì chỉ tập trung chào bán cho các tổ chức như trước đây. Việc gửi thông tin phát hành trái phiếu qua e-mail rộng rãi đến giới đầu tư của công ty chứng khoán nói trên, trong đó so sánh cụ thể lãi suất của trái phiếu chào bán so với các kênh đầu tư khác, cho thấy khách hàng cá nhân nhỏ lẻ là đối tượng được nhắm đến của phiên chào bán này.

Cách đây một tháng, ngân hàng ACB đã phát hành thành công 2.000 tỉ đồng trái phiếu kỳ hạn năm năm, có 27 nhà đầu tư cá nhân và bảy tổ chức đã tham gia mua.

Thậm chí giờ đây nhà đầu tư cá nhân cũng có thể tham gia mua bán lẻ trái phiếu chính phủ thông qua trung gian là các tổ chức tín dụng, mà Sacombank là một trong những ngân hàng đang tích cực đẩy mạnh phân phối.

Liệu có thu hút nhà đầu tư cá nhân?

Nếu so với lãi suất tiền gửi ngân hàng, lãi suất trái phiếu cao hơn lãi suất tiền gửi trung dài hạn và còn được điều chỉnh theo lãi suất thả nổi của tiền gửi kỳ hạn 12 tháng của bốn ngân hàng lớn, với biên độ nhất định thường là 2% trở lên, do đó có thể giúp nhà đầu tư đảm bảo lãi suất thực dương cao và chống lại lạm phát.

Nếu so với đầu tư cổ phiếu thì lãi suất của trái phiếu khá cạnh tranh so với tình hình chi trả cổ tức hiện nay của các doanh nghiệp, khi nhiều doanh nghiệp không trả cổ tức, trả cổ tức bằng cổ phiếu hoặc bằng tiền mặt nhưng tỷ lệ khá thấp, phổ biến ở mức 5%. Không những thế, khi nhận cổ tức thì giá cổ phiếu của nhà đầu tư đang nắm giữ lại giảm.

Theo thống kê của Bộ Tài Chính, trong năm 2015, đã có 42.769 tỉ đồng trái phiếu doanh nghiệp được phát hành, trong đó tập trung vào các kỳ hạn từ ba năm trở lên.
Ngoài ra, trái phiếu còn có cơ hội được ưu tiên thanh toán như các khoản nợ khác khi doanh nghiệp gặp rủi ro phá sản.

Trước đây nhiều doanh nghiệp đã phát hành trái phiếu chuyển đổi cho nhà đầu tư cá nhân. Tuy nhiên, thực tế những năm qua cho thấy rủi ro giá chuyển đổi là vấn đề nhà đầu tư thường gặp nhất do giá cổ phiếu xuống thấp hơn nhiều so với mức giá chuyển đổi. Bên cạnh đó, trái phiếu chuyển đổi thường hạn chế đối tượng - các nhà đầu tư đang nắm cổ phiếu của doanh nghiệp mới được quyền mua.

Việc đầu tư vào chứng khoán có thu nhập cố định này cũng có thể gặp phải các rủi ro như rủi ro thanh toán, rủi ro lãi suất, rủi ro thanh khoản, rủi ro lạm phát và rủi ro tỷ giá nếu trái phiếu được phát hành bằng ngoại tệ. Đối với rủi ro lãi suất và rủi ro lạm phát thì các trái phiếu có lãi suất thả nổi sẽ phần nào hạn chế được. Với nền kinh tế hiện tại và mặt bằng lãi suất cũng như xu hướng sắp tới, lãi suất trái phiếu trên 8% và được thả nổi không phải là một khoản đầu tư có lợi nhuận tồi.

Để hạn chế rủi ro thanh toán và rủi ro thanh khoản thì các nhà đầu tư cần lựa chọn trái phiếu của những doanh nghiệp lớn, hiệu quả hoạt động ổn định và có uy tín trên thị trường. Nếu nhà phát hành có cam kết mua lại trái phiếu theo yêu cầu của nhà đầu tư thì rủi ro thanh khoản sẽ giảm. Không bán lại được trên thị trường thứ cấp thì nhà đầu tư có thể bán lại cho tổ chức phát hành khi cần tiền.

Vai trò dẫn vốn của ngân hàng sẽ giảm?

Tăng vốn luôn là nhu cầu cấp thiết của các doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, trong khi phát hành cổ phiếu đang không được ưa chuộng.

Nếu giới đầu tư hào hứng với kênh trái phiếu doanh nghiệp và xu hướng phát hành trái phiếu để bổ sung vốn tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới, thì lượng tiền gửi tại các ngân hàng tất yếu sẽ bị ảnh hưởng.

Chẳng những tác động đến hoạt động huy động vốn, việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp cũng ảnh hưởng đến hoạt động phát triển tín dụng của ngân hàng. Nếu phát hành trái phiếu thành công thì doanh nghiệp không cần phải tìm đến nguồn vốn vay tại các ngân hàng nữa.


Ngoài ra, để vay vốn, các doanh nghiệp buộc phải có tài sản đảm bảo, phương án kinh doanh hiệu quả trong điều kiện tiêu chí xếp hạng tín dụng của các ngân hàng ngày càng cao hơn, trong khi phát hành trái phiếu có thể không yêu cầu phải có tài sản đảm bảo. Lãi suất của trái phiếu phát hành rõ ràng “dễ thở” hơn nhiều so với lãi suất vay ngân hàng, kỳ thanh toán lãi cũng được giãn ra hơn so với vay ngân hàng.

Với việc người cần vốn (các doanh nghiệp) và người cung ứng vốn (nhà đầu tư) có thể giao dịch trực tiếp với nhau thông qua công cụ đầu tư là trái phiếu, thì vai trò trung gian dẫn vốn của ngân hàng sẽ giảm dần.  Khi đó, ngân hàng có thể chỉ còn cung ứng các dịch vụ hỗ trợ thanh toán trong các thương vụ này và dĩ nhiên lợi nhuận sẽ bị ảnh hưởng.

(Thời Báo Kinh tế Sài Gòn)
>> Mở tài khoản chứng khoán - Tư vấn Đầu tư Chứng khoán

Share:

Trang

Nổi bật

Giới siêu giàu kiếm tiền từ đâu?