Kiến thức chứng khoán - Kinh nghiệm đầu tư chứng khoán

Thứ Sáu, 16 tháng 9, 2016

Cổ phiếu vận tải biển chưa qua hồi mạt vận?

Sự việc hãng tàu Hanjin Hàn Quốc nộp đơn phá sản đã làm không ít nhà đầu tư nhìn lại hiện trạng của các doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam. Đã tám năm trôi qua kể từ năm 2008, năm khởi phát sự sụt dốc của giá thuê tàu và cuộc khủng hoảng vận tải biển, nhưng cơn bĩ cực vẫn đang theo đuổi các hãng tàu.
 Vosco là một trong hai doanh nghiệp còn dương vốn chủ sở hữu trên sản Hose. Ảnh TL

Câu chuyện phía sau của loại hình kinh doanh này không phải chỉ là các công ty vận tải biển, mà chính là các chủ nợ, ngân hàng đã rót hàng ngàn tỉ đồng vào đây và đến giờ vẫn chưa thể đòi được.  

Cái tên thường xuyên được nhắc đến trong ngành vận tải biển không gói gọn ở Vinalines, Vinashin, mà còn ở Vitranchart, Vinaship, Vosa, Đông Đô, Falcon... Trong số này, một điển hình không thể bỏ qua là Công ty cổ phần Vận tải Biển Bắc Nosco (NOS-UpCom).

Mươi năm trước Nosco nổi như cồn với vốn điều lệ rất thấp mà lợi nhuận hàng chục tỉ đồng. Năm đỉnh cao 2008, lợi nhuận của Nosco đạt gần 84 tỉ đồng. Trên thị trường OTC, có thời điểm cổ phiếu Nosco đạt 200.000 đồng. Nay ngày 13-9-2016 giá nó còn 400 đồng.

Trong báo cáo tài chính bán niên năm nay, công ty kiểm toán lưu ý: “khả năng hoạt động liên tục của công ty phụ thuộc vào khả năng sinh lời trong tương lai và sự tiếp tục đầu tư vốn của các chủ sở hữu”. Tình hình tài chính của Nosco bi đát thế này: tổng nợ phải trả ngắn hạn 3.253 tỉ đồng trong khi tổng tài sản ngắn hạn còn 148 tỉ đồng; tổng nợ phải trả đến ngày 30-6-2016 là 5.372 tỉ đồng, nhưng tổng tài sản chỉ còn 2.373 tỉ đồng. Vốn chủ sở hữu của Nosco âm chẵn 3.000 tỉ đồng. Sáu tháng đầu năm ngoái công ty lỗ 301 tỉ đồng, sáu tháng đầu năm nay lỗ ít hơn, khoảng... 200 tỉ đồng.

Đáng nói Nosco có vốn điều lệ vỏn vẹn 200 tỉ đồng (114,6 tỉ đồng năm 2011), nhưng “cơn sốt” giá thuê tàu những năm 2005-2008 đã lôi cuốn các ngân hàng cho Nosco vay hàng ngàn tỉ đồng, bằng tiền Việt cũng có, ngoại tệ cũng có để mua và đóng tàu mới. Số tiền vay gấp 17-18 lần vốn của công ty và tài sản thế chấp chính là những con tàu.

Báo cáo tài chính của Nosco chỉ ra cho đến giờ, công ty còn nợ Vietcombank dài hạn 819 tỉ đồng, Agribank 910 tỉ đồng, SeABank 188 tỉ đồng, Ngân hàng Phát triển Việt Nam 187 tỉ đồng. Đấy là chưa kể nợ ngắn hạn đến hạn trả nhưng chưa trả được cho Vietcombank 143 tỉ đồng, Agribank 179 tỉ đồng, SeABank 889 tỉ đồng, Hàng hải 70,5 tỉ đồng và Ngân hàng Phát triển Việt Nam 84 tỉ đồng. Thuyết minh báo cáo tài chính ghi rõ: “Doanh nghiệp không thể đưa ra ước tính về số dư phải trả có khả năng trả nợ do công ty đang trong quá trình tái cơ cấu về tổ chức, kinh doanh, và quản lý tài chính”.

Nosco giờ đây càng hoạt động càng lỗ, nếu nộp đơn xin phá sản liệu có được không? Và khi đó các chủ nợ chắc chắn mất tiền cho dù có phát mãi các tài sản là nhà cửa, văn phòng và các con tàu còn lại. Còn nếu không, ai là chủ sở hữu sẽ phải bỏ thêm tiền để công ty duy trì hoạt động?

Công ty Vận tải dầu khí Falcon Shipping cũng đã lỗ 2.100 tỉ đồng theo Kiểm toán Nhà nước và đang được chuẩn bị cho phá sản. Đông Đô đang thoi thóp và Công ty cổ phần Bất động sản và Vận tải biển Việt Hải (VSP - UpCom) đình đám một thời, giờ đã bán hết tàu, mà vẫn còn lỗ và nợ ngân hàng hàng ngàn tỉ đồng, không biết lấy gì trả. Trên Hose chỉ còn hai doanh nghiệp còn dương vốn chủ sở hữu là Công ty cổ phần Vận tải biển Việt Nam - Vosco (VOS-Hose) và Vinaship (VNA-Hose).

Tuy vậy vốn chủ sở hữu của Vosco cũng đã “bay” mất 520 tỉ đồng. Mức lỗ sáu tháng đầu năm nay của Vosco còn 126,5 tỉ đồng, thấp hơn cùng kỳ là 187 tỉ đồng. Chi phí bảo hiểm tàu, sửa chữa duy tu bảo dưỡng tàu và chi phí lãi vay làm Vosco kiệt quệ. Trong số lỗ nửa đầu năm 2016, chi phí lãi vay chiếm hơn phân nửa. Theo báo cáo tài chính bán niên đã soát xét 2016, các chủ nợ của Vosco gồm Ngân hàng Phát triển Việt Nam 844 tỉ đồng; Hàng hải 1.184 tỉ đồng; Ngân hàng Bảo Việt 118 tỉ đồng; Techcombank 190 tỉ đồng.

Các ngân hàng cho biết hầu hết các khoản tài trợ tín dụng cho các hãng vận tải biển đều đã bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và trích lập dự phòng rủi ro từng năm, nhưng chưa thể nào trích lập hết 100% được. Năm ngoái, năm kia có thời điểm các ngân hàng được yêu cầu bán nợ của Vinalines và một số công ty vận tải biển cho Công ty TNHH Mua bán nợ thuộc Bộ Tài chính (DATC) với giá bằng 50% nợ gốc, nhưng DATC “chê” cao, chỉ trả 20-30% giá nợ gốc. Các chủ nợ thấy thiệt quá, nhất định không bán, thế là tắc tị, không giải quyết được. Những ngân hàng mạnh như Vietcombank đành ráng trích dự phòng rủi ro càng nhiều càng tốt. Nhưng các ngân hàng khác không phải ai cũng có lợi nhuận cao để trích lập cho hết.

Vận tải biển vẫn đang là những con tàu không đáy, tiền rót vào bao nhiêu cũng hết, càng rót càng mất. Cổ phiếu vận tải biển giờ không còn mấy ai đoái hoài tới. Thị giá VNA còn 2.000 đồng; VOS còn 1.550 đồng (giá ngày 13-9-2016). Sự mạt vận chưa buông tha các hãng tàu!
>> Mở tài khoản chứng khoán - Tư vấn Đầu tư Chứng khoán - Ủy thác đầu tư

TBKTSG
Share:

Trang

Nổi bật

Giới siêu giàu kiếm tiền từ đâu?