Rõ ràng, hiện nay, ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống đã không còn hấp dẫn với Buffett.
Theo Financial Times, động thái rút lui của tập đoàn do Buffett và 3G Capital đứng sau cho thấy rõ ràng đang Buffett mong muốn bảo vệ danh tiếng thánh thiện của mình. Ông lo ngại Unilever sẽ sử dụng phương pháp tiếp cận khá thô bạo, mạnh tay cắt giảm việc làm và chi phí. Paul Polman, giám đốc điều hành người Hà Lan của Unilever, xây dựng tập đoàn đa quốc gia này theo hình mẫu bền vững và phát triển theo hướng stakeholder capitalism - chủ nghĩa tư bản mà trong đó nghĩa vụ chính của doanh nghiệp là hướng đến bản thân doanh nghiệp, các bên liên quan thay vì chỉ tôn thờ lợi ích của cổ đông.
Vụ đầu tư thất bại này đã “châm ngòi” một mâu thuẫn giữa hai bản năng của Buffett: thứ nhất là đầu tư vào các thương hiệu thực phẩm và đồ uống chế biến uy tín toàn cầu như Coca-Cola và Kraft Heinz, và thứ hai là sự yêu thích của công chúng.
Đối tác của Buffett, chủ sở hữu người Brazil của 3G Capital, ông Jorge Paulo Lemann, không hề bận tâm tới bản năng thứ hai của ông. Tập đoàn cổ phần tư nhân này hiện đang muốn bước chân vào ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống. Trước tình trạng ngành tăng trưởng chậm và gần như đang dậm chân tại chỗ vì giảm phát và phải cạnh tranh với các nhà sản xuất thực phẩm bổ dưỡng, 3G đã quyết định tích trữ các nhóm người tiêu dùng và cắt giảm ngân sách.
Động thái này đã đem đến nhiều rắc rối cho Buffett bởi nó đánh thẳng vào cách thức điều hành công ty cũng như lịch sử đầu tư độc đáo của ông. Trong bức thư gửi cổ đông vào năm 2015, Buffett từng lên tiếng bảo vệ quyết định hợp tác cùng 3G dù hai công ty có cách thức hoạt động khác biệt. Ông viết: “Ở Berkshire, chúng ta chỉ tới những nơi chúng ta được chào đón”. Điều này có vẻ như đã phản ánh sự căng thẳng trong tâm trí ông.
Mặc dù phần lớn lợi nhuận của Berkshire Hathaway là từ ngành bảo hiểm, nhưng Buffett vẫn luôn yêu thích đầu tư vào các nhãn hàng tiêu dùng, đặc biệt là ở Mỹ, bởi những nhãn hàng này ít bị ảnh hưởng do cạnh tranh vì ai cũng cần ăn, uống và mua sắm các sản phẩm gia dụng, và người tiêu dùng thường “tự động” tìm đến những cái tên quen thuộc.
25 năm về trước, Warren Buffet từng mạnh tay đầu tư cho các nhãn hàng như See’s Candies và Nebraska Furniture Mart – hay còn được biết đến là “sainted seven” (“7 nhãn hàng thần thánh”). Quyết định đầu tư của ông “nở hoa” vào những năm 1980, khi các doanh nghiệp Mỹ bắt đầu vươn ra thế giới. Trong bức thư gửi cổ đông vào năm 1989, ông cho biết doanh số bán hàng ở nước ngoài của Coca-Cola, một công ty ông mới tăng đầu tư ở thời điểm đó, “cuối cùng đã bùng nổ”.
Buffett biểu hiện rõ rệt niềm tin của mình vào các nhãn hàng thực phẩm. Mỗi ngày, ông đều uống Coca-Cola, ăn khoai tây chiên của Utz, một công ty ở Pennsylvania mà ông đang đàm phán mua lại, và mua bữa sáng tại McDonald trên đường đi làm. Có thể nói Buffett tiêu thụ những thứ ông đầu tư.
Ông cũng từng nhận được một lợi thế khác khi đầu tư cho các nhãn hàng thực phẩm lớn: sở hữu những thương hiệu mạnh trong những thị trường đang phát triển đồng nghĩa với việc Buffett không cần tham dự nhiều vào hoạt động điều hành công ty của ban lãnh đạo.
Năm ngoái, ông viết: “Nhiệm vụ của chúng tôi chỉ đơn giản là tạo ra một môi trường mà trong đó các giám đốc điều hành… có thể tối đa hoá hiệu quả quản lý cũng như sự hài lòng họ có được từ công việc của mình”.
Tuy nhiên cách thức vận hành của ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống không thể duy trì bầu không khí ấm áp trên. Những cái tên như Unilver và Nestlé có quy mô lớn hơn và độ phủ sóng toàn cầu cao hơn. Những tập đoàn này tập hợp nhiều thương hiệu trị giá tỉ đô thay vì chỉ sở hữu một hay hai thương hiệu.
Không chỉ vậy, ngành công nghiệp thực phẩm cũng đã chững lại. Tăng trường quốc tế dừng lại, thay vào đó là doanh số sụt giảm hoặc mở rộng công ty nhưng không để lại nhiều ấn tượng. Tuần trước, Nestlé tuyên bố giảm mục tiêu tăng trưởng doanh số bán sản phẩm hữu cơ hàng năm xuống còn 5-6%. Bên cạnh đó, ông Polman cũng quyết định áp dụng “thần chú” cắt giảm chi phí của 3G tại Unilever trước cả khi Kraft Heinz đề nghị sáp nhập.
Vì vậy, Buffett do dự. Thương vụ bắt tay cùng 3G Capital thâu tóm Heinz và sau đó là Kraft đã đem lại khoản lợi nhuận khổng lồ; nhưng rõ ràng, hai thương vụ này không thoả mãn sở thích “ban phát” hạnh phúc của ông. Theo Buffett, Kraft Heinz đã cắt giảm 13.000 việc làm kể từ sau khi hai công ty sáp nhập vào hai năm trước, một nguyên nhân là bởi chuyên môn của 3G là “cắt giảm những chi phí không cần thiết… một cách nhanh chóng”.
Với đề nghị thu mua Unilever, Buffett đứng giữa hai lựa chọn: hoặc ông buộc phải tiến hành xâm lược trong ngành công nghiệp ông hiểu rõ nhất, hoặc ông cần tìm những đầu ra khác cho vốn của Berkshire. Rõ ràng, ngay cả khi Buffett mong muốn thay đổi bản chất con người mình, thì khả năng mong muốn này trở thành hiện thực khi ông đã 86 tuổi là rất thấp. Tức là, Buffet sẽ buộc phải sửa đổi chiến lược đầu tư của mình.
Và Buffett đang làm điều đó. Berkshire nắm giữ 9% cổ phần của Coca-Cola nhưng đã giảm đầu tư vào Procter & Gamble và Walmart. Bên cạnh đó, tầm quan trọng của các doanh nghiệp tiêu dùng trong “sainted seven” cũng đã bị “powerhouse five” (“5 cường quốc”) gồm các công ty cổ phần công nghiệp vượt qua. “Powerhouse five” gồm BNSF, tập đoàn đường sắt của Mỹ mà Buffett mua lại vào năm 2009, và Lubrizol, nhà sản xuất các loại hoá chất đặc biệt.
Với Buffett, hai diễn biến trên không phải là một món ăn vặt ngon miệng, nhưng lại đáp ứng mục tiêu đầu tư vào “các doanh nghiệp lớn có thể thoả mãn cả nhu cầu và sở thích”. Không chỉ vậy, hai động thái này còn giúp tăng trưởng lợi nhuận mà không cần cắt giảm chi phí và việc làm. Rõ ràng, hiện nay, ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống đã không còn hấp dẫn với Buffett.
Theo Trí thức trẻ/Financial Times