NĐT đang bị phân tán vì còn phải
chuẩn bị dòng vốn để bị đón sóng ngành hàng không khi Vietjet Air (mã cổ
phiếu VJC) lên sàn, với hy vọng mang lại nhiều điểm mới mẻ cho nhóm cổ
phiếu hàng không.
Kế hoạch bán 21 triệu cổ phiếu HVN (Tổng
công ty Hàng không Việt Nam - CTCP) của Techcombank chỉ được ấn định
trong 8 ngày giao dịch (tính từ 22/2). Đến cuối tuần qua, giá cổ phiếu
HVN đã giảm 16%. Ngoại trừ một phiên tăng điểm ngày 27/2, trong suốt
những ngày Techcombank bán ra giá HVN dao động từ 33-37 nghìn đồng/cổ
phiếu. Nếu lấy mức giá thoái vốn trung 35.000 đồng/cổ phiếu cho đợt bán
21 triệu cổ phiếu này và 39.000 đồng cho đợt bán 3,8 triệu cổ phiếu đợt
đầu, thì Techcombank ước tính đã có khoản lãi khoảng 330 tỷ đồng.
Hành động của Techcombank đã khiến giá
cổ phiếu HVN giảm sâu trong hai tuần qua. Trong khi đó, Bộ Giao thông -
Vận tải nắm giữ 86,16% cổ phần Vietnam Airlines; hãng hàng không Nhật
Bản ANA Holdings Inc - cổ đông chiến lược - nắm giữ 8,77%; Vietcombank
sở hữu 1,83% cổ phần, tương ứng 22,4 triệu cổ phiếu.
Như vậy, sau khi Techcombank thoái vốn,
số lượng cổ phiếu lưu hành tự do của HVN khoảng 40 triệu đơn vị. Không
loại trừ sau Techcombank sẽ là những cổ đông khác cũng có những động
thái của mình, khiến tâm lý NĐT dao động. Vậy điều gì thu hút sự quan
tâm cả NĐT đang giữ cổ phiếu HVN lúc này?
Hàng không giá rẻ đang làm cho lợi nhuận của các hãng hàng không truyền thống bị thu hẹp lại |
Trên thực tế, sự thoái lui của các cổ
đông lớn ở HVN lại thu hút một lực cầu nội, trong khi đó NĐT nước ngoài
vẫn tỏ ra thờ ơ khi chỉ mua vào 100.000 cổ phiếu. Một số phân tích cho
rằng, lúc này NĐT đang bị phân tán vì còn phải chuẩn bị dòng vốn để bị
đón sóng ngành hàng không khi Vietjet Air (mã cổ phiếu VJC) lên sàn, với
hy vọng mang lại nhiều điểm mới mẻ cho nhóm cổ phiếu hàng không.
Cụ thể, ngày giao dịch đầu tiên của VJC
trên sàn vừa qua, đúng như dự báo mức cung hết sức khiêm tốn với khối
lượng khớp lệnh 30 cổ phiếu. Với mức giá tăng trần trong ngày giao dịch
đầu tiên, tổng vốn hóa thị trường của VJC ước đạt 32.400 tỷ đồng, đứng
thứ 13 trên sàn HSX, mặc dù thị phần của hãng hàng không giá rẻ này chỉ
kém Vietnam Airlines 1% (số liệu thời điểm 30/6/2016).
Từ đây, một số nhà phân tích khuyên NĐT
cân nhắc với cổ phiếu HVN, khi Bộ Tài chính đã yêu cầu Vietnam Airlines
tiếp tục xem xét giảm tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu về mức an
toàn, từ 4 lần (31/12/2016) xuống còn 3,2 lần (31/12/2017) và đạt mức 3
lần vào cuối năm 2018.
Mặt khác, lãnh đạo Vietnam Airlines báo
cáo về đợt chào bán cổ phần cho NĐT chiến lược ANA Holdings, đồng thời
xin ý kiến cổ đông thông qua việc bỏ điều khoản liên quan đến bán cổ
phần cho cổ đông chiến lược do đã hoàn thành, dù đã thu hút được cổ đông
chiến lược của hãng hàng không Nhật Bản này và lượng cổ phiếu chào bán
dự kiến chiếm tỷ lệ 38% phương án bán cổ phần.
Bộ phận nghiên cứu của CTCK Rồng Việt
ước tính số lượt vận chuyển hành khách nội địa bằng đường hàng không năm
2016 vào khoảng hơn 30 triệu lượt, với thị phần lớn nhất thuộc về
VietJet Air 13 triệu lượt và Vietnam Airlines 12,7 triệu lượt. Tuy
nhiên, với kế hoạch tăng cường đội bay trong những năm sắp tới thì bên
cạnh việc tăng tần suất chuyến tại các đường bay hiện hữu, mở rộng khai
thác các đường bay quốc tế sẽ là xu hướng tất yếu đối với 2 hãng hàng
không này.
Chưa kể, cạnh tranh trên thị trường quốc
tế ngày càng cao, khi kế hoạch mở rộng đội bay của một số hãng hàng
không giá rẻ trong khu vực Đông Nam Á đã được công bố. Về cơ bản các
hãng hàng không giá rẻ đang có lợi thế về giá, trong khi VietJet Air
đang “phình to” hoạt động ở trong nước sẽ có thể làm cho Vietnam
Airlines thu hẹp lợi nhuận. Đại hội cổ đông bất thường của Vietnam
Airlines tháng trước ngoài việc đề cập đến năng lực tài chính thì còn
tính đến chuyện bán và thuê lại máy bay để trang trải chi phí.
Vì vậy, NĐT cũng có thể đã hình dung ra viễn cảnh tương lai nơi nào nên bỏ vốn vào cổ phiếu nào!
Thời Báo Ngân Hàng