Kiến thức chứng khoán - Kinh nghiệm đầu tư chứng khoán

Thứ Ba, 10 tháng 11, 2015

Phiên giao dịch chiều 10/11: Sợ hãi

Tưởng chừng thị trường sẽ có diễn biến tích cực hơn trong phiên giao dịch chiều sau khi đã có cú hồi tích cực cuối phiên sáng, nhưng xem ra sự sợ hãi đang chiếm lĩnh tâm trí nhà đầu tư.

Thông tin vĩ mô đáng chú ý trong phiên chiều này là thông tin Quốc hội đã thông qua kế hoạch kinh tế - xã hội 2016 với các chỉ tiêu chính như tốc độ tăng GDP là 6,7%, CPI tăng dưới 5%, bội chi ngân sách nhà nước là 4,95%.

Đây là thông tin tích cực và cho thấy, kinh tế vĩ mô Việt Nam đã ổn định và đang từng bước lấy lại đà tăng trưởng mạnh như trước đây. Điều này sẽ có tác động tích cực tới thị trường chứng khoán.

Tuy nhiên, diễn biến của thị trường trong phiên chiều nay lại không có thấy điều đó. Nhà đầu tư dường như vẫn đang bị ám ảnh bởi tin đồn margin tăng mạnh và thị trường có thể phải hứng chịu những đợt giải chấp bất cứ lúc nào, do đó việc chốt sớm đã được nhiều người lựa chọn.

Những nỗ lực có được trong nửa cuối phiên giao dịch sáng đã bị đánh mất hoàn toàn trong phiên giao dịch chiều khi bên mua rụt tay trở lại, trong khi áp lực bán vẫn không ngừng gia tăng.

Kết thúc phiên giao dịch 10/11, VN-Index giảm 5,39 điểm (-0,88%), xuống 605,27 điểm. Sắc đỏ vẫn chiếm thế áp đảo với 137 mã giảm so với 87 mã tăng. Giao dịch trong phiên chiều khá ảm đạm khi bên mua không dám mạo hiểm. Kết thúc phiên giao dịch 10/11, tổng khối lượng giao dịch trên sàn HOSE đạt 119,83 triệu đơn vị, tương đương tổng giá trị giao dịch 1.952,54 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 9,56 triệu đơn vị, giá trị 152,9 tỷ đồng.
 
Tương tự, với 103 giảm trong khi chỉ có 68 mã tăng, HNX-Index cũng giảm 0,58 điểm (-0,72%), xuống 80,84 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 41,5 triệu đơn vị, giá trị 398,7 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 5,57 triệu đơn vị, giá trị 46,6 tỷ đồng.

Kỳ vọng về phiên tăng trần thứ 2 liên tiếp để tiến dần tới mốc tham chiếu của FLC đã không thành hiện thực trong phiên hôm nay. Khác với phiên hôm qua, người nắm tiền hồ hởi, trong khi bên nắm giữ sau phút đầu xả mạnh đã găm hàng trở lại, thì phiên giao dịch hôm nay, lực bán tỏ ra quá mạnh, trong khi bên mua không đủ dũng cảm và nguồn lực để hấp thụ hết lượng dư bán. 

Thậm chí, trong phiên giao dịch chiều, có lúc FLC đã bị kéo lùi về sát mệnh giá, trước khi đóng cửa ở mức 7.600 đồng, tăng 2,7% với 23,14 triệu đơn vị được khớp và còn dư bán hơn 9,2 triệu đơn vị, trong đó còn dư bán giá trần 7.900 đồng hơn 6,2 triệu đơn vị.

Trong khi đó, OGC dù chỉ được giao dịch trong phiên chiều, nhưng giao dịch rất sôi động với hơn 5,9 triệu đơn vị được khớp và đóng cửa ở mức giá trần 2.800 đồng, vượt qua CII để trở thành mã có thanh khoản thứ 2 sàn HOSE sau FLC.

Ngoài FLC và OGC, một số mã thị trường khác cũng giữ được giá, hoặc chỉ giảm nhẹ, trong khi ở nhóm cổ phiếu lớn, VNM vẫn giữ được mức giá đóng cửa của phiên sáng và cũng là sắc xanh hiếm hoi xuất hiện trong số các mã bluechip, cùng với GMD và DCM. Trong khi đó, đa số các mã lớn khác như ngân hàng, dầu khí, bảo hiểm VIC, MSN, HAG, HPG… đều đóng cửa trong sắc đỏ, trong đó có nhiều mã đóng cửa ở mức thấp nhất ngày như VCB, VIC, MSN, CTG, BVH, HAG…

Trên HNX, ngoài KLF đã xuất hiện thêm nhiều mã có tổng khối lượng khớp trên 1 triệu đơn vị (9 mã có tổng khớp trên 1 triệu đơn vị), nhưng diễn biến giá lại không tích cực như phiên sáng. Trong đó, sắc tím tại BAM đã bị biến mất khi mã này đóng cửa ở mức tham chiếu 1.700 đồng với hơn 2 triệu đơn vị được khớp, trong khi KLF đóng cửa giảm 4,44%, xuống 4.300 đồng với 3,25 triệu đơn vị được khớp.
ĐTCK
Share:

Trang

Nổi bật

Giới siêu giàu kiếm tiền từ đâu?