Tuần
thứ hai của tháng 5-2017 cổ đông nước ngoài lớn nhất của Công ty cổ
phần Sữa Việt Nam (VNM) là F&N Dairy Investments Pte Ltd
(Singapore) công bố đã mua thêm 5 triệu cổ phiếu, nâng tỷ lệ sở hữu tại
đây lên 16,04%. Cách đó một tháng tổ chức này đăng ký công khai mua thêm
14,5 triệu cổ phiếu VNM trên sàn nhưng sau đó họ dừng mua kể từ khi thị
giá VNM vượt quá 148.000 đồng/cổ phiếu. “Điều kiện thị trường không phù
hợp” là lý do họ giải thích cho việc không mua đủ số lượng đăng ký. Tuy
nhiên giới thạo tin hiểu rằng họ không muốn mua thêm một khi việc mua
có thể đẩy giá cổ phiếu sữa tăng hơn mức giá mà Tổng công ty Đầu tư và
Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã thoái vốn năm ngoái.
Cổ phiếu Vinamilk đã dần phục hồi chủ yếu do sức cầu của khối ngoại và ngày 26-5-2017 đã đạt đỉnh cao kể từ khi niêm yết 152.000 đồng/cổ phiếu. Ảnh: TL
Kế hoạch thoái hết vốn nhà nước khỏi 10 doanh nghiệp vẫn đang nằm trong hoạt động của SCIC năm nay, nhưng thời điểm nào sẽ thoái thì chưa có công bố cụ thể. Sau khi rơi xuống 120.000 đồng/cổ phiếu vào những ngày cuối năm 2016, cổ phiếu Vinamilk đã dần phục hồi chủ yếu do sức cầu của khối ngoại và ngày 26-5-2017 đã đạt đỉnh cao kể từ khi niêm yết 152.000 đồng/cổ phiếu (giá đã điều chỉnh sau trả cổ tức, chia thưởng).
Ngoài VNM, Nhà nước đã giao cho SCIC lên kế hoạch và thời điểm thoái vốn ở một số doanh nghiệp niêm yết khác như Bảo hiểm Bảo Minh (BMI), Tái bảo hiểm quốc gia (VNR), Nhựa Bình Minh (BMP), Nhựa Tiền Phong (NTP), Công ty FPT.... Cổ phiếu của tất cả những doanh nghiệp này đều tăng trưởng khá so với cuối năm 2016. Cùng với sự khởi sắc của chứng khoán, VN-Index lần đầu tiên trong chín năm đã có ngày vươn lên ngưỡng 745 điểm.
Ngân sách đang thặng dư chứ không phải bội chi như cùng kỳ các năm
trước, phải chăng vì vậy mà áp lực thoái vốn tại các doanh nghiệp đã
được chỉ định không còn nặng nề. |
Lần đấu giá đầu tiên số lượng cổ phiếu Vinamilk đưa ra chào bán đã không bán hết được. Tất nhiên có nhiều nguyên nhân, song không thể không nghĩ đến một nguyên nhân là thời điểm bán chưa thích hợp và việc tiếp thị trước ngày bán đã tỏ ra cập rập, chưa mang lại hiệu quả như mong đợi.
Cũng có ý kiến cho rằng liệu bây giờ đã thực sự là thời điểm vàng để thoái vốn nhà nước chưa? Họ lập luận VN-Index đang trên đà tăng trưởng và chỉ số còn đi lên. Các cổ phiếu tốt sẽ còn tăng giá. Hơn nữa đầu tháng 6 tới Việt Nam sẽ chính thức cho giao dịch chứng khoán phái sinh mặc dù chỉ mới áp dụng với hai chỉ số là VN30 và Hnx30. Ở một góc độ chưa thật rộng, nhưng chúng ta đã cho bán khống chỉ số. Điều này ít nhiều sẽ góp phần giúp chỉ số VN30, Hnx30 và các chỉ số chính ổn định, giảm thiểu những phiên lên xuống giật cục.
Ngoài ra cơ quan quản lý đang nỗ lực để nâng hạng chứng khoán từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi nhằm thu hút thêm vốn ngoại. Việc nâng hạng đòi hỏi phải tăng cường hàng hóa chất lượng cho thị trường, tức các doanh nghiệp quy mô, làm ăn hiệu quả và có lượng cổ phiếu có thể giao dịch lớn (chứ không phải Nhà nước hay cổ đông lớn vẫn nắm giữ 80-90%, thậm chí 95%). Sự phân hóa cổ phiếu sẽ còn diễn ra mạnh mẽ, các cuộc M&A để tạo ra những doanh nghiệp tầm cỡ sẽ còn tăng tốc. Thoái vốn nhà nước tạo điều kiện cho các đối tác tham gia sở hữu tỷ lệ cổ phần chi phối và rõ ràng nó sẽ có triển vọng.
Những lập luận như vậy không phải không có cơ sở, song yếu tố dường như đang khiến cho việc chọn thời điểm thoái vốn nhà nước trở nên ít “nóng hổi” là do thu ngân sách bốn tháng đầu năm tăng rất mạnh so với chỉ tiêu và cùng kỳ. Ngân sách đang thặng dư chứ không phải bội chi như cùng kỳ các năm trước. Trong bối cảnh đó áp lực thoái vốn tại các doanh nghiệp đã được chỉ định có lẽ không còn nặng nề như năm ngoái năm kia.
Bỏ sang một bên những cân nhắc mang tính cân đong đo đếm của các “hộ kinh doanh”, điều cần đặt lên bàn SCIC và cơ quan quản lý ngân khố quốc gia là mối quan hệ giữa thoái vốn nhà nước và tiến độ cổ phần hóa, cải cách khối quốc doanh. Vì sao Nhà nước lại mất quá nhiều thời gian cho việc thoái vốn ở những doanh nghiệp nhà nước đã khẳng định không cần nắm giữ cổ phần chi phối? Vì sao Nhà nước vẫn mất công sức đưa người vào hội đồng quản trị, ban tổng giám đốc các doanh nghiệp ấy để điều hành? Còn đó hàng trăm doanh nghiệp lớn quốc doanh phải cải cách, tái cơ cấu, giảm nợ vay để không còn là gánh nặng cho nền kinh tế như 12 dự án thua lỗ hàng chục ngàn tỉ đồng, như Vinalines, Vinashin mà hậu quả đến giờ vẫn chưa xử lý hết được.
Còn nữa chúng ta cần vốn, nền kinh tế cần vốn để phát triển. Nợ công đã chạm ngưỡng cho phép. Năm nào Bộ Tài chính cũng phát hành hàng trăm ngàn tỉ đồng trái phiếu chính phủ với người mua chủ yếu là các ngân hàng thương mại. Mà tiền của ngân hàng thương mại là tiền huy động của dân. Cầu trái phiếu chính phủ “khủng” như thế, thử hỏi làm sao hạ lãi suất cho được?
Thoái vốn nhà nước để lấy tiền chi tiêu cho những mục đích cần thiết, để có nguồn tái phân bổ ngân sách hợp lý và để doanh nghiệp tự chủ hơn trong hoạch định làm ăn, đấy mới là việc cần cân nhắc một cách thiết thực. Đừng để đến khi ngân sách cần tiền mới mang vốn nhà nước ra bán bất chấp thị trường xấu đẹp ra sao!
TBKTSG