Hai phiên sụt giảm cuối tuần qua
đã co hẹp mức tăng chung của tuần xuống còn 0,9%, hay 5,88 điểm. Điều
quan trọng trong diễn biến giao dịch không phải là vấn đề điểm số, mà là
liệu việc sụt giảm 2 phiên đó có là dấu hiệu của sự kết thúc xu thế
tăng kéo dài suốt gần 7 tháng qua hay không.
Sau khi VN-Index đột phá qua được ngưỡng
640-645 điểm, là mức kháng cự dài hạn của xu thế giảm dài hạn suốt từ
năm 2008 đến nay, trên lý thuyết, thị trường đã bước vào một xu thế tăng
dài hạn tính bằng nhiều năm.
Nếu nhìn thị trường trong một xu thế dài
hạn theo chu kỳ tháng, thị trường đã trải qua một xu thế giảm dài hạn
từ đỉnh cao 1.179 điểm tháng 3/2007 và chạm đáy tại 234 điểm tháng
2/2009.
Với chu kỳ thị trường dài hạn này,
ngưỡng kháng cự đầu tiên trong xu thế phục hồi dài hạn là quanh 600
điểm, tương đương mức hoàn tăng 38,2% của chu kỳ giảm dài hạn nói trên.
Ngưỡng kháng cự kế tiếp là khoảng 700-705 điểm, tương đương mức hoàn
tăng 50%.
Có nhiều cách thức trong phân tích kỹ
thuật để ước đoán các ngưỡng kháng cự chính tiếp theo của VN-Index. Tuy
nhiên tựu chung lại, câu hỏi lớn nhất vẫn là: Thị trường có khả năng nối
dài thêm xu thế tăng điểm trung hạn hiện tại hay không, hay phải trải
qua một nhịp điều chỉnh ngắn hạn?
Kể cả khi một xu thế tăng dài hạn hình
thành thì cũng không đồng nghĩa với một chu kỳ tăng liên tục và trơn
tru. Trong một xu thế tăng dài hạn luôn có những nhịp điều chỉnh trung
hạn tính bằng tháng và một xu thế tăng trung hạn lại có các nhịp điều
chỉnh ngắn hạn tính bằng tuần.
Sóng tăng từ giữa tháng 1/2016 đến nay
là một xu thế tăng trung hạn, nằm trong một xu thế tăng dài hạn tính
bằng nhiều năm. Mức tăng trưởng của xu thế trung hạn hiện tại vào khoảng
32,5%, là một trong 3 xu thế tăng trung hạn mạnh nhất tính từ năm 2012:
Xu thế tăng từ tháng 1/2012 đến tháng 5/2012 VN-Index tăng 48,3%; Xu
thế tăng từ tháng 9/2012 đến 6/2013 tăng 43,1%.
Việc thị trường chứng khoán Việt Nam
bước vào chu kỳ tăng trưởng dài hạn thật ra là muộn so với các thị
trường khác kể từ khi xảy ra khủng hoảng tài chính năm 2008. Rất nhiều
thị trường đã hình thành một xu thế tăng dài hạn và đã lập đỉnh cao mới
trong lịch sử, kể cả chứng khoán Mỹ.
Sẽ phụ thuộc bên ngoài?
Một yếu tố mang tính thời điểm và đặc
thù trong việc vượt đỉnh 8 năm của VN-Index chính là sự kiện Brexit. Sự
kiện này tạo nên nỗi sợ hãi mơ hồ khắp toàn cầu và đưa đến một nghịch lý
của thị trường tài chính: Đó là việc hàng loạt trái phiếu chính phủ kỳ
hạn dài và cực dài của các nước có lợi suất âm, tức là nhà đầu tư phải
trả thêm phí để được cho chính phủ vay tiền (thông qua hình thức mua
trái phiếu).
Giá trái phiếu tăng thường dẫn đến thị
trường chứng khoán giảm vì hai thị trường này chuyển động ngược nhau.
Tuy nhiên lúc này, chứng khoán toàn cầu thi nhau lập đỉnh cao mới và
trái phiếu chính phủ nhiều nước cũng thi nhau rơi vào vùng lợi suất âm
(giá tăng).
Nguyên nhân của hiện tượng nói trên là
các tổ chức đầu tư ở nhiều quốc gia chạy đua tìm chỗ giữ tiền an toàn và
bi quan với triển vọng suy thoái kinh tế trong dài hạn. Trong khi đó
thị trường chứng khoán suy luận rằng việc các ngân hàng trung ương đẩy
mạnh các chương trình mua tài sản (nới lỏng định lượng), thi nhau giảm
lãi suất hoặc hoãn tăng lãi suất, tức là dòng tiền mặt giá rẻ vốn chảy
tràn trề suốt từ 2008 đến nay vẫn sẽ chảy tiếp, thậm chí còn dồi dào
hơn. Do đó giá chứng khoán sẽ tăng.
Thị trường chứng khoán Việt Nam không
rơi vào tình trạng này, nhưng lại được hưởng lợi từ diễn biến thị trường
chứng khoán toàn cầu. Mối liên hệ ở đây là không rõ ràng giữa các thị
trường, nhưng mối liên hệ tâm lý lại rất chặt: Nếu như sự kiện Brexit
thật sự là “con ngáo ộp” của thị trường tài chính toàn cầu thì tại sao
thị trường chứng khoán khắp thế giới cứ tăng điểm, cứ lập đỉnh cao mới.
Chứng khoán Anh, tâm chấn của sự kiện, đáng lẽ phải sụp đổ thì trái lại,
chỉ số FTSE liên tục vượt đỉnh trước sự kiện Brexit và quay trở lại
đỉnh cao hồi tháng 8/2015.
Đối với thị trường chứng khoán Việt Nam
các kỳ vọng mang tính nội tại thật ra không có nhiều động lực. Kết quả
kinh doanh quý 2/2016 liệu có gì nổi bật hơn các quý khác? Triển vọng
kinh tế 2016 có gì sáng sủa hơn, thậm chí đang có nguy cơ tăng tốc chậm
lại, lạm phát có dấu hiệu tăng. Xuất khẩu nhiều mặt hàng đang giảm…
Việc thị trường chứng khoán tăng hiện
tại có tính kỳ vọng rất cao và được khuếch đại bởi tâm lý lý giải một
việc đã xảy ra, mà ở đây là các biến động mạnh trên thị trường chứng
khoán quốc tế. Nếu thị trường chứng khoán thế giới phản ứng xấu trước sự
kiện Brexit, không có gì đảm bảo thị trường chứng khoán trong nước vẫn
sẽ vượt được đỉnh 8 năm, vì chỉ trong vài tuần, các yếu tố vĩ mô không
có gì thay đổi.
Đối với đa số nhà đầu tư, thị trường
được xem là yếu tố lý giải hợp lý mọi nguyên nhân. Tức là chừng nào thị
trường chứng khoán vẫn tăng tốt, mọi yếu tố khác vẫn sẽ thuận lợi. Tuy
nhiên thị trường lại có những chuyển động không thể lý giải được trong
ngắn hạn, mang đậm yếu tố tâm lý cũng như quán tính của dòng tiền. Chẳng
hạn ngay hồi đầu năm nay, mức định giá thị trường thông qua chỉ số P/E
khoảng 13-13,5 lần (sàn HSX) được cho là hợp lý và nhịp tăng thường điều
chỉnh tại ngưỡng này, nhưng hiện tại, P/E đã là 14,6 lần (sàn HSX) mà
vẫn có đà tăng tiếp.
Vì thế trong ngắn hạn, thị trường hoàn
toàn có thể tăng cao hơn nữa, đặc biệt là khi chứng khoán thế giới vẫn
đang tăng, nhưng đến một lúc nào đó sẽ phải điều chỉnh cho phù hợp với
những yếu tố cơ bản của nền kinh tế.