Kiến thức chứng khoán - Kinh nghiệm đầu tư chứng khoán

Thứ Tư, 19 tháng 8, 2015

Phong cách quản trị lập dị của Shigenobu Nagamori

Dưới sự lãnh đạo của Nagamori, doanh số bán của Nidec đã tăng gấp 10 lần kể từ năm 1998.

Tham vọng quan trọng hơn cả trí thông minh trong thế giới của Shigenobu Nagamori. Là Tổng Giám đốc nhà sản xuất mô-tơ Nhật Nidec, Nagamori nổi tiếng bởi phong cách quản trị rất lập dị. Các ứng viên được Công ty xem xét tuyển dụng phải tranh đua với nhau trong các cuộc thi… ăn và la hét. Ai mới được tuyển dụng vào làm ở trụ sở đặt tại Kyoto phải… chùi rửa nhà vệ sinh.

“Những người có động cơ thúc đẩy có thể làm bất kỳ việc gì nếu họ làm việc cật lực”, Nagamori nói trong cuốn tự truyện theo phong cách truyện tranh có tựa đề The Man Hotter Than The Sun (tạm dịch Người đàn ông nóng hơn cả mặt trời). Theo Nagamori, yếu tố thành công không nằm ở tài năng mà ở niềm đam mê, lòng nhiệt thành, sự gan lì, kiên trì, quyết theo đuổi mục tiêu đến cùng.

Các nhân viên đều đi theo tôn chỉ này của ông, theo Ken Kusunoki, Giáo sư về chiến lược kinh doanh tại Đại học Hitotsubashi của Tokyo. Họ được khuyến khích, được thúc đẩy để làm việc một cách say mê, với lòng kiên trì như những gì Nagamori yêu cầu ở họ. “Đó là lý do ông có thể khiến cho những công ty mà ông điều hành trở nên sinh lời”, Kusunoki nói.

Những công ty đó bao gồm hơn 41 doanh nghiệp mà Nidec đã thâu tóm kể từ khi được thành lập vào năm 1973. Nhiều công ty trong số này lâm vào tình cảnh khó khăn, thậm chí mấp mé bờ vực phá sản. Nhưng không lâu sau, các công ty đã sinh lời trở lại. Chẳng hạn, vào năm 2003, khi Nidec mua lại Sankyo Seiki Manufacturing, một nhà sản xuất robot công nghiệp, công ty này đã thua lỗ 280 triệu USD, năm tồi tệ thứ 3 liên tiếp. 12 tháng sau khi thương vụ thâu tóm hoàn tất, Sankyo Seiki đã lãi 178 triệu USD. “Những con người đã làm thua lỗ hàng tỉ yen thì cũng chính những con người đó - cụ thể là những nhà quản lý, những công nhân đó - đã học được cách làm sao để kiếm ra tiền”, Nagamori nói.

Phần lớn các thương vụ thâu tóm sau năm 2001 đã giúp bành trướng phạm vi hoạt động của Nidec ra khỏi lãnh thổ nước Nhật. Tập đoàn này hiện đang là nhà sản xuất mô-tơ chính xác lớn nhất thế giới, cung cấp hơn 80% mô-tơ trong ổ cứng. Trong những năm gần đây, Nidec đã bắt đầu sản xuất mô-tơ cho dụng cụ, máy móc thiết bị nhà xưởng, ôtô. Mức vốn hóa thị trường của Nidec đang vào khoảng 23 tỉ USD và số cổ phần của Nagamori hiện trị giá 2 tỉ USD, đưa ông trở thành người giàu thứ 10 nước Nhật.

Nidec tuyển dụng khoảng 128.000 nhân viên trên toàn cầu. Các nhà điều hành doanh nghiệp như nhà sáng lập Masayoshi Son của Tập đoàn Softbank đều tìm đến Nagamori để được tư vấn về các thương vụ thâu tóm và cách quản trị. Nagamori đã gặp gỡ cả những nhà lãnh đạo cấp quốc gia như Thủ tướng Narenda Modi của Ấn Độ, nơi ông gần đây đã xây dựng một nhà máy và có thêm 4 nhà máy nữa đang được triển khai. Các nhà điều hành trong cuộc khảo sát được Nikkei BP, một ấn phẩm kinh doanh có tiếng tăm ở Nhật, thực hiện vào mùa thu vừa qua đã bầu chọn Nagamori là vị CEO xuất sắc nhất của nước Nhật.

Vị CEO xuất sắc nhất nước Nhật này là một người đi lên từ hai bàn tay trắng. Bắt đầu chỉ với 3 nhân viên, ông đã làm ra các mô-tơ nhỏ trong một túp lều kế bên ngôi nhà nông trại của mẹ ông tại Kyoto. Các công ty Nhật, vì nghi ngờ về năng lực sản xuất của công ty mới thành lập này, nên đã từ chối đặt mua mô-tơ của ông. Vì thế, Nagamori đã đi sang Mỹ và đã ký được hợp đồng với hãng 3M để sản xuất loại mô-tơ nhỏ hơn cho máy ghi âm. “Nhờ đó, tiếng tăm của Nidec Corporation bắt đầu vang xa cả trong nước lẫn ngoài nước”, cuốn tự truyện viết.

“Trong những ngày đầu thành lập, chúng tôi đã không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải tuyển dụng những nhân viên bị loại từ các công ty khác. Không ai chịu làm cho chúng tôi. Nhưng chúng tôi đã đào tạo họ giỏi lên và họ đã thực sự rất xuất sắc”, ông nhớ lại. Nagamori cho biết các nhân viên tốt nghiệp từ các trường quản trị kinh doanh hàng đầu như Harvard và MIT đều “bất lực” khi đụng đến chuyện làm ra lợi nhuận.

Vì thế, ông đã thành lập một trường quản trị kinh doanh “trong nhà” dành cho nhân viên của mình. Công thức của ông trong việc vực dậy các công ty không sinh lời là bán nhiều sản phẩm hơn và cắt giảm chi phí. Một tấm áp phích được treo trong các văn phòng của Nidec ghi khẩu hiệu: “Làm ngay, làm hoài và làm cho đến khi nào hoàn thành mới thôi”.
Những vụ thâu tóm lớn đã hoàn tất của Nidec

Vào thập niên 1990 và đầu thập niên 2000, Nidec đã mua lại các công ty Nhật đang trên bờ vực phá sản và mua lại những đơn vị bỏ đi của Toshiba và Hitachi. Khi người tiêu dùng chuyển sang dùng máy tính bảng và điện thoại thông minh, thị trường dành cho mô-tơ ổ cứng đã bắt đầu đi xuống. Vì thế, Nagamori đã lao vào cơn sốt thâu tóm khác. Nidec đã thâu tóm 14 công ty kể từ năm 2000. Một trong những thương vụ đầu tiên của ông là mua lại bộ phận mô-tơ của nhà sản xuất thiết bị Mỹ Emerson Electric.

“Phần lớn mọi người không nghĩ rằng ông sẽ có thể xông pha và tìm một động cơ tăng trưởng mới như vậy”, Scott Foster, chuyên gia phân tích tại Advanced Research tại Tokyo, nhận xét. Doanh số bán của Nidec đã tăng gấp 10 lần kể từ năm 1998, vượt qua con số 1.000 tỉ yen, tương đương khoảng 8,4 tỉ USD tính đến tháng 3/2015. Mục tiêu kế tiếp của Nagamori là 10.000 tỉ yen vào năm 2030. Nếu đạt được con số này, Nidec sẽ được xếp vào hàng ngũ 6 công ty lớn nhất nước Nhật, lớn hơn cả Sony và Hitachi hiện nay. Nagamori, năm nay 70 tuổi, đã cam kết sẽ đi tới cùng cho đến khi Nidec đạt được mục tiêu đó.

Cách quản trị của Nagamori đã giúp nhiều công ty khởi sắc trở lại, nhưng không phải nhân viên nào cũng xem đó là điều kỳ diệu. Setsuo Matsui, về hưu vào năm 2010 sau 42 năm làm việc tại một nhà máy Sankyo ở Nagano, cho biết sau khi Nidec mua lại Công ty, Nagamori đã yêu cầu các công nhân phải đi làm sớm mỗi ngày để dọn dẹp sạch sẽ nhà máy và các chuyến đi nghỉ mát đều không khuyến khích.

Matsui vẫn còn nhớ ngày Chủ Nhật không nhận tiền công mà ông trải qua trong một buổi tập huấn về hành vi ứng xử nơi công sở. Nagamori đã yêu cầu tất cả mọi người phải học cách cúi chào cho đúng. “Tôi không cảm thấy thoái mái khi yêu cầu phải thanh toán tiền làm quá giờ hoặc xin nghỉ làm một khoảng thời gian nào đó. Chẳng có ai làm vậy cả”, Matsui nói.

Sau khi thâu tóm một nhà sản xuất máy bơm nước Đức đóng cửa vào tháng 2, Nagamori đã đi sang Merbelsrod, Đức để viếng thăm các nhà máy và văn phòng ở đó. Ông nhìn quanh xem có bụi bẩn hay tường có cần phải sơn lại, bất kỳ cái gì cần phải dọn cho sạch sẽ. “Có nhiều thứ cần phải cải thiện. Nó làm tôi cảm thấy hạnh phúc, vui vẻ khi chứng kiến điều đó. Tôi luôn phiền lòng nếu không thấy được gì cần phải thay đổi, cải thiện”, ông nói.
(NCĐT/ Bloomberg)
Share:

Trang

Nổi bật

Giới siêu giàu kiếm tiền từ đâu?